CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
ĐBQH đơn vị Bình Định chất vấn nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát
Thứ ba 21/03/2023 13:43

Ngày 20.3, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp thứ 21 về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát.

Tham dự tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.

Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N. QUÝ

Tham dự tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các ĐBQH tỉnh công tác tại địa phương; đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.

Phát biểu tranh luận tại điểm cầu Bình Định, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nêu ý kiến: Có nhiều vụ án hành chính, chủ tịch UBND hoặc người ủy quyền xin xét xử vắng mặt vì nhiều lý do. Để đảm bảo tính nghiêm túc theo khoản 3 Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, chủ tịch UBND ủy quyền cho các phó chủ tịch UBND trong toàn bộ quá trình tố tụng các vụ việc hành chính. Tuy nhiên, qua thực tế nhận thấy, điều này ảnh hưởng lớn đối với các vụ án mà trình tự thủ tục kéo dài. Đối với việc xử lý án hành chính chung, thực tế nhiều vụ án thì chủ tịch hoặc người đại diện có đơn xin giải quyết vắng mặt.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy tranh luận các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tòa án tại phiên chất vấn. Ảnh: N. QUÝ

“Vì vậy, với quan điểm tại khoản 3 Điều 60 của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, đề nghị nên quy định về sửa đổi, bổ sung trong một số trường hợp. Chủ tịch UBND được ủy quyền cho các thành viên và các đơn vị có liên quan trong việc tham gia quá trình tố tụng. Đề nghị Chánh án TAND tối cao cho biết quan điểm và giải pháp để không ảnh hưởng đến việc xử lý án hành chính và đảm bảo tính nghiêm túc của các vụ án”, đại biểu Thủy nêu vấn đề.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã chỉ ra một số nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế. Giải pháp đặt ra là phải nâng cao chất lượng, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của các thẩm phán để áp dụng đúng pháp luật, đồng thời cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xử lý các vụ việc, vụ án đúng thời hạn theo luật định.

Phát biểu tranh luận về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao cho biết các giải pháp để thực hiện đạt chỉ tiêu Quốc hội giao trong các lĩnh vực xử lý tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm đối với án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm đối với án dân sự.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh tranh luận các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kiểm sát tại phiên chất vấn. Ảnh: N. QUÝ

Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí, Viện xác định phương châm hoạt động của ngành là “Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, thực chất, hiệu quả, liêm chính, vượt khó, chuyên nghiệp”. Theo đó, yêu cầu mỗi cán bộ kiểm sát viên phải quán triệt trong nhận thức, hành động nhằm không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và đảm bảo sức thuyết phục, tính nhân văn trong thực hiện nhiệm vụ.

N. QUÝ - Nguồn Báo Bình Định