CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp thứ 6
Thứ năm 16/03/2023 16:40

Sáng 16.3, Thường trực HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức phiên họp thứ 6 dưới sự chủ trì của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.

Phiên họp có sự tham gia của đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Văn Phi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo một số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (người đứng) phát biểu kết luận phiên họp thứ 6 của Thường trực HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: N. HÂN.

Tại phiên họp này, Thường trực HĐND tỉnh nghe báo cáo giải trình của các Sở KH&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương liên quan về 2 nội dung chính gồm: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và kế hoạch giải ngân năm 2023; kết quả giải ngân triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia gồm: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2023.

Theo báo cáo giải trình của các sở, ban, ngành tại phiên họp, tính đến hết niên độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, giá trị giải ngân kế hoạch vốn do tỉnh quản lý được Thủ tướng Chính phủ giao đạt tỷ lệ 114,5% kế hoạch giao; tuy nhiên tính theo chỉ tiêu được HĐND tỉnh giao thì chỉ đạt 92,6% kế hoạch giao.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải (người đứng) giải trình kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2023. Ảnh: N. HÂN

Đối với các dự án cấp tỉnh, có 18 đơn vị có giá trị giải ngân trên 90% kế hoạch vốn giao; 9 đơn vị có giá trị giải ngân từ 70% - 90%; 7 đơn vị giải ngân dưới 50%. Đối với các đơn vị cấp huyện, có 8 đơn vị có giá trị giải ngân trên 90%; 2 đơn vị có giá trị giải ngân từ 70% - 80%; 1 đơn vị giải ngân dưới 50%.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung (người đứng) giải trình việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: N. HÂN

Theo giải trình của các sở, ban, ngành và địa phương, có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công thấp. Cụ thể: Một số quy định pháp lý của Trung ương, tỉnh chưa hoàn thiện dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng chậm; một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế năng lực yếu dẫn đến việc thường xuyên điều chỉnh các dự án đầu tư làm mất nhiều thời gian do vướng các thủ tục điều chỉnh đầu tư theo quy định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (người đứng) báo cáo giải trình một số nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: N. HÂN

Tiếp theo là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ đất tái định cư cho các dự án đầu tư. Sự phối hợp giữa các cơ quan thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, đôn đốc thiếu quyết liệt; việc xử lý các trường hợp vi phạm thiếu kịp thời, chưa nghiêm minh. Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế; công tác thẩm định, tư vấn các dự án chậm. Giá nguyên vật liệu tăng cao khiến các nhà thầu thi công dự án cầm chừng chờ cơ quan chức năng điều chỉnh đơn giá...

Về kết quả giải ngân các nguồn vốn đầu tư thuộc 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, theo giải trình tại phiên họp, đến ngày 9.3.2023, kết quả giải ngân chỉ đạt tỷ lệ 54,5% (riêng trong năm 2022 chỉ đạt 47,4%). Trong đó, giải ngân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ đạt gần 24%.  

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (người đứng) giải trình, làm rõ một số giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023. Ảnh: N. HÂN

Theo giải trình, nguyên nhân của việc giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia đạt thấp là do các sở, ngành, địa phương phải chờ các Nghị định, Thông tư, quy định hướng dẫn cụ thể của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Việc tham mưu, đề xuất của các sở, ban, ngành cho UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể thực hiện từng dự án, tiểu dự án còn chậm; năng lực thực hiện của các chủ đầu tư, chính quyền các địa phương được thụ hưởng dự án còn yếu, dẫn đến việc chậm triển khai các chương trình, dự án...

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khắc phục sớm những nguyên nhân tồn tại dẫn đến chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, người đứng đầu từng cấp, từng ngành phải có kế hoạch, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án thật cụ thể, theo từng tháng, từng quý; các quy trình, quy định để triển khai thực hiện dự án phải thật sự chặt chẽ, đảm bảo đúng các quy định. Cùng với đó, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường xử lý trách nhiệm đối với các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thiết kế chậm trễ trong triển khai các dự án đầu tư…

NGUYỄN HÂN - Nguồn Báo Bình Định