Ngày 31.1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức gặp mặt đại diện nhân sĩ trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, kiều bào tiêu biểu nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023
Chủ trì buổi gặp mặt có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đoàn Văn Phi - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Nguồn nhân lực quan trọng
Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, song kết quả phát triển KT-XH của Bình Định rất phấn khởi. 19/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 8,57%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Trong kết quả chung này có sự chung sức, chung lòng của đội ngũ nhân sĩ trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, kiều bào. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ khẳng định: “Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng. Đội ngũ nhân sĩ trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín và kiều bào của tỉnh đã phát huy năng lực, sở trường, trình độ chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh”.
Trong đó, đội ngũ nhân sĩ trí thức là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong lao động sáng tạo. Nhiều đề tài khoa học ứng dụng hiệu quả, tiêu biểu là: “Nghiên cứu hiệu quả tạo nhịp tim vĩnh viễn tại vị trí vách giữa thất phải tại BVĐK tỉnh Bình Định”; “Nghiên cứu chiến lược truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Bình Định đến năm 2025”…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn gặp gỡ, chúc mừng năm mới nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín và kiều bào. Ảnh: N.M
Đội ngũ doanh nhân là lực lượng năng động, sáng tạo, thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, có vai trò quan trọng trong việc góp phần làm chuyển đổi nền kinh tế tỉnh nhà. Có thể kể đến dự án có quy mô lớn như Dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; ba tổ hợp lai các giống gà nội Minh Dư Bình Định giai đoạn 2000 - 2020 đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022, bà Đồng Thị Ánh - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty PISICO Bình Định - Công ty cổ phần - đạt danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022…
Đồng bào các tôn giáo luôn phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Trong năm 2022, các cơ sở tôn giáo đã vận động trên 22 tỷ đồng tổ chức các hoạt động từ thiện; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng bào các dân tộc thiểu số có tinh thần đoàn kết, giàu truyền thống cách mạng, tích cực thực hiện đường lối, chủ trương, tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa. Kiều bào Bình Định có những đóng góp thiết thực trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về quê hương và con người Bình Định…
Nhiều ý kiến tâm huyết
Bày tỏ sự vui mừng trước những đổi thay, phát triển của Bình Định trong những năm gần đây, các đại biểu nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, kiều bào và người uy tín đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết với mong muốn được tiếp tục đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ CKII Phạm Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp (BVĐK tỉnh) đề xuất tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho bệnh viện đầu tư về công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong khám chữa bệnh hiện nay; có cơ chế để bệnh viện có thể phát triển nhiều cấp độ dịch vụ điều trị, khám chữa bệnh nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.
Đại diện cho những người con Bình Định xa quê, doanh nhân Tô Ngọc Ngời, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafor SaiGon, gửi gắm: “Để tỉnh tiếp tục phát triển, “cất cánh” nhanh hơn nữa, cần có sự cân bằng về nguồn lực đầu tư giữa các địa phương phía Bắc và phía Nam của tỉnh. Trong đó, cần quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng để kết nối các địa phương, phát huy lợi thế của các địa phương phía Bắc tỉnh”.
Thượng tọa Thích Đồng Thành, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, đề xuất: Mong lãnh đạo tỉnh gặp gỡ lãnh đạo các tôn giáo nhiều hơn nữa để lắng nghe các khó khăn, cùng tháo gỡ vướng mắc để mỗi tôn giáo có thể phát huy tiềm lực của mình. Ngoài ra, nhiều cơ sở tôn giáo đã có lịch sử phát triển hơn 300 năm tại tỉnh nhưng chưa được công nhận là di tích lịch sử; mong các cấp, các ngành của tỉnh nghiên cứu, giúp đỡ để có thể công nhận và phát huy sự đóng góp của các cơ sở tôn giáo trong sự phát triển chung.
Ông Đinh Biên, người uy tín tiêu biểu huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định tại từng làng, thôn đồng bào dân tộc thiểu số, những người uy tín sẽ tiếp tục đồng hành cùng Đảng, chính quyền, Mặt trận tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách, phong trào thi đua yêu nước.
“Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng ghi nhận, cảm ơn những đóng góp của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo và kiều bào tỉnh ta trong sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tôi mong đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, kiều bào và người uy tín tiêu biểu tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy LÊ KIM TOÀN
NGUYỄN MUỘI - Nguồn Báo Bình Định