Chiều 9.12, các đại biểu HÐND tỉnh tiếp tục thảo luận ở tổ về các báo cáo, tờ trình, đề án được trình bày trong phiên họp tại hội trường buổi sáng. Nhiều ý kiến thảo luận đã mổ xẻ những vấn đề phát sinh và quá trình quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các cấp chính quyền. Từ đó, đề ra các giải pháp căn cơ, hữu hiệu để chấn chỉnh.
Lo ngại gia tăng tội phạm
Tham gia thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ lo lắng trước tình hình tội phạm nguy hiểm, tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm ma túy và “tín dụng đen” vẫn còn diễn biến phức tạp.
ĐB Trần Nhật Quân, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh (đơn vị Hoài Ân) cho biết: “Vừa qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh thực hiện thẩm tra và giám sát các chuyên đề, nổi lên là tình hình tội phạm tăng với 35 nhóm tội phạm. Điều này đặt ra vấn đề là ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần kiên quyết và kịp thời đấu tranh phòng, chống, trấn áp các loại tội phạm và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân biết để phòng tránh”.
Cùng chung ý kiến, ĐB Nguyễn Văn Dũng (Phù Mỹ) nêu: Các loại tội phạm như giết người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm công nghệ cao và tội phạm về ma túy… gia tăng và diễn biến phức tạp, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng. Bên cạnh công tác truy bắt, khởi tố và xét xử các đối tượng kịp thời, ngành CA phải có những giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn nữa.
Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận ở tổ chiều 9.12. Ảnh: HỒNG PHÚC
Còn ĐB Phạm Trung Thuận (Phù Cát) cho rằng, việc xác định đối tượng phạm tội và đấu tranh với tội phạm công nghệ cao rất cam go. Tình hình phạm tội liên quan ma túy tuy diễn ra nhỏ lẻ nhưng đang có chiều hướng gia tăng về tính chất, thành phần và đối tượng; phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thực tế cho thấy, quá trình dẫn đến phạm tội về ma túy chủ yếu là ban đầu sử dụng, nghiện rồi sau đó mua bán. Do đó, song song với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, nòng cốt là các cơ quan tiến hành tố tụng như CA, viện KSND và tòa án, cần nghiên cứu thêm về công tác tuyên truyền theo hướng cụ thể, có trọng tâm và quyết liệt hơn.
Chấn chỉnh các bất cập trong công tác PCCC
Từ thực tế công tác PCCC diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành trong nước và trên địa bàn tỉnh, các ĐB đề nghị tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh để đảm bảo an toàn PCCC tại các DN, cơ sở kinh doanh, dịch vụ...
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc CA tỉnh, đại tá Võ Đức Nguyện cho biết công tác PCCC được ngành quan tâm, tăng cường nhiều biện pháp, kiểm tra, xử lý quyết liệt các vi phạm trong năm 2022. Qua kiểm tra, tổng rà soát, có rất nhiều cơ sở đang hoạt động mà chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Qua đó, đã xử phạt, đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động nhiều trường hợp vi phạm.
Theo đại tá Nguyện, vấn đề này có nguyên nhân sâu xa từ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định PCCC sửa đổi nhiều qua các giai đoạn nên các đơn vị tư vấn, thiết kế chưa cập nhật kịp… Đồng thời, các quy định PCCC có yêu cầu rất cao nên đáp ứng theo quy định cần đầu tư kinh phí rất lớn. CA tỉnh đã có báo cáo về vấn đề này và được sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh để từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN.
Đại tá Võ Đức Nguyện cam kết: “Chúng tôi xin hứa sẽ hết sức cố gắng phối hợp với các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư hướng dẫn thực hiện theo quy định về PCCC trong thời gian nhanh nhất có thể. Về khắc phục những tồn tại, lực lượng CA sẽ xem xét từng trường hợp về nguy cơ cháy nổ nguy hiểm, đối với cơ sở có nguy cơ cao phải đình chỉ, tạm đình chỉ, còn nguy cơ thấp hơn thì đề xuất cho thêm thời gian cụ thể để khắc phục”.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho hay, qua tìm hiểu quy định PCCC và thực tiễn các DN trên địa bàn tỉnh, việc đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định là rất khó; nên chính quyền, đơn vị chức năng cần có sự phối hợp tháo gỡ, có hình thức hỗ trợ phù hợp cho DN. “Đề nghị UBND tỉnh xem xét, kiến nghị Chính phủ có những quy định, quy chuẩn về PCCC hợp lý hơn với thực tiễn”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nói.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng trao đổi các vấn đề mà ĐB quan tâm tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: HỒNG PHÚC
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, từ phản ánh khó khăn trong đáp ứng quy định PCCC của các DN và đề xuất của CA tỉnh, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo đề ra những giải pháp ngắn hạn, dài hạn nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước đáp ứng theo đúng quy định về PCCC.
Hỗ trợ miền núi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách đầu tư đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, ĐB Nguyễn Thị Phong Vũ (Vĩnh Thạnh) nêu ý kiến: Hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi đang có 3 chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện cùng lúc với nguồn lực đầu tư rất lớn, gồm chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chất lượng cán bộ ở cơ sở để triển khai thực hiện các chương trình, dự án không đảm bảo, rất khó để triển khai đúng tiến độ các dự án đầu tư. Nếu cấp tỉnh không có hướng dẫn, không hỗ trợ về nhân lực, không giúp địa phương các quy trình thực hiện cụ thể theo kiểu “cầm tay chỉ việc” thì rất khó triển khai các chương trình, dự án đúng tiến độ và phát huy hiệu quả.
ĐB Nguyễn Thị Phong Vũ (Vĩnh Thạnh) nếu ý kiến liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách đối với đồng bào DTTS. Ảnh: HỒNG PHÚC
Cũng liên quan đến vấn đề hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS, ĐB Vũ tỏ ra băn khoăn trước thực trạng có rất nhiều dự án hỗ trợ người dân khi triển khai mang lại kết quả rất tốt, nhưng khi dự án kết thúc thì không thể nhân rộng được nữa. Từ thực tế đó, ĐB Vũ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm hơn đến vấn đề này một cách chặt chẽ, sâu sát; phải có sự tham gia của chính chủ thể người dân thì mới mang lại hiệu quả bền vững cho từng dự án.
Cần kiểm tra “sức khỏe” của các doanh nghiệp bất động sản ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Phù Cát) cho rằng, thị trường bất động sản đang “đóng băng”; đặc biệt sai phạm của các DN, tập đoàn lớn trên cả nước liên quan đến việc sử dụng trái phiếu DN bị xử lý cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Hiện, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều tập đoàn bất động sản đang hoạt động; đề nghị tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn này hiện thế nào, có ảnh hưởng đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh hay không. “Theo tôi, chúng ta cần dự lường trước các vấn đề trong việc nắm bắt hoạt động của các tập đoàn, DN này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp họ tiếp tục phát triển. Ngược lại, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa không để xảy ra hệ lụy xấu, phức tạp, gây ảnh hưởng tình hình phát triển kinh tế, ANTT địa phương”, ĐB Hùng nêu ý kiến. |
Nguồn Báo Bình Định