Tôi may mắn có được tập hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của nhà cách mạng Ngô Đức Đệ, viết năm 1986 tại Hà Nội. Theo hồi ký này, sau mấy năm hoạt động ở quê nhà, cuối năm 1927 ông được điều vào Quy Nhơn làm Bí thư Đảng bộ Tân Việt liên tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum. Từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cho đến Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tập kết ra Bắc làm nhiệm vụ mới đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước, ông giữ nhiều trọng trách.
Ngô Đức Đệ sinh năm 1905 trong một gia đình có truyền thống yêu nước thuộc dòng họ Ngô Đức ở xã Trảo Nha (nay là xã Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tiếp nối truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình và quê hương, ở tuổi 18, Ngô Đức Đệ đã dấn thân vào cuộc đời hoạt cách mạng đầy cam go, thử thách.
Khu di tích Chi bộ Hồng Lĩnh. Ảnh: M.LÂM
Năm 1929, Ngô Đức Đệ bị thực dân Pháp bắt ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) trong cuộc họp thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, bị kết án 3 năm tù và giam ở nhà lao Vinh (Nghệ An); sau đó bị tăng án, đến tháng 5.1930 bị đày lên nhà tù Kon Tum. Ngô Đức Đệ là chính trị phạm duy nhất lúc bấy giờ bị giam riêng trong một xà lim, chung tường với phòng giấy của Huỳnh Đăng Thơ (Đội Thơ), người con làng Đại An, tổng Mỹ Đức (nay là xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) bị địch bắt lính, làm quản lao ở nhà tù.
Trong phòng giam kín ngục tù, Ngô Đức Đệ tìm mọi cách tìm hiểu và tiếp cận Huỳnh Đăng Thơ. Một hôm, Đội Thơ đi qua cửa phòng giam, Ngô Đức Đệ cất tiếng gọi khẽ: “Ông mở cửa ra cho tôi rửa mặt”. Cụ Thơ tiến sát cửa phòng và nói: “Theo lệnh trên, ông là tù cấm cố không được ra ngoài, nhưng tôi có thể lén cho ông ra một chút”. Cụ Thơ đã khéo léo bố trí cho lính gác mỗi ngày mở cửa cho Ngô Đức Đệ ra ngoài 15 phút. Sau đó, Đội Thơ tìm cách giúp đỡ nhiều hơn đối với chính trị phạm bị biệt giam, thể hiện nhiều cử chỉ tốt, dẫn đến hai người dần hiểu và cảm mến nhau.
Ông Đệ nhận xét: “Nếu rồi đây ông xếp Thơ trở nên người cách mạng, đứng vào hàng ngũ chiến đấu thì đây là đầu mối quan trọng và vững chắc trong việc phát triển phong trào cách mạng giữa hai tỉnh Kon Tum và Bình Định, qua nhịp cầu này sẽ tạo nên mối quan hệ công - nông - binh, quan hệ miền xuôi với miền ngược, tạo thanh thế liên minh thực sự gắn chặt hai tỉnh và các tỉnh”. Và, ông nói: “Kon Tum là đây và Bình Định cũng là đây”.
Chưa đầy 4 tháng cảm hóa, giác ngộ, ngày 10.9.1930, ngay trong ngục tù đế quốc, Huỳnh Đăng Thơ đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum (1930 - 1975) ghi nhận: “Huỳnh Đăng Thơ là đảng viên cộng sản đầu tiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Kon Tum”.
Huỳnh Đăng Thơ đã nhanh chóng phát triển một số đảng viên trong nhà tù, cuối tháng 9.1930, Chi bộ Đảng nhà tù Kon Tum được thành lập; lúc đầu do đồng chí Ngô Đức Đệ làm bí thư, sau đó ông bận công việc phát triển tổ chức Đảng ra đường phố, nên giao trọng trách cho Huỳnh Đăng Thơ làm bí thư. Và, lối rẽ cuộc đời của Đội Thơ cũng bắt nguồn từ ấy.
Khoảng tháng 3.1931, cơ sở từ Quy Nhơn lên Kon Tum bị lộ, Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu và Nguyễn Cừ bị bắt. Huỳnh Đăng Thơ đã tuyệt thực 21 ngày đêm để đấu tranh. Dù không tìm ra chứng cứ, nhưng thực dân Pháp vẫn kết án Huỳnh Đăng Thơ cùng hai đồng chí mỗi người 3 năm tù và đày vào nhà lao Buôn Ma Thuột. Tại đây, ông được Phan Đăng Lưu, nhà cách mạng từng hoạt động ở thành Bình Định dìu dắt, giúp đỡ và giao nhiệm vụ gây dựng tổ chức Đảng ở địa phương sau khi ra tù.
Mãn hạn tù, địch đưa Huỳnh Đăng Thơ về quê nhà quản thúc, ông tìm cách móc nối với tổ chức Đảng ở La Hai (Phú Yên) và lần lượt giác ngộ một số thanh niên tiến bộ trong vùng để phát triển đảng viên, trong đó có hai người em ruột của ông là Huỳnh Đăng Chi, Huỳnh Đăng Bảng. Ngày 20.10.1936, tại Hòn Chùa - Đại An diễn ra sự kiện chính trị quan trọng là chi bộ Đảng mang tên Hồng Lĩnh được thành lập.
Chỉ sau một năm, Chi bộ Hồng Lĩnh được Xứ ủy Trung Kỳ chính thức công nhận và giao nhiệm vụ khôi phục, xây dựng tổ chức Đảng và phong trào cách mạng toàn tỉnh Bình Định. Đây là một trong những tổ chức Đảng ra đời sớm ở Bình Định và tồn tại khá lâu, có vai trò rất quan trọng không chỉ ở các phủ/ huyện An Nhơn, Bình Khê (Tây Sơn), Phù Cát mà đối với cả tỉnh, nhất là việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời và Ban Cán sự Đảng liên tỉnh giữa vòng vây và khủng bố tàn khốc của thực dân Pháp và Nam Triều.
Hoạt động của Chi bộ Hồng Lĩnh đã đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của quê hương An Nhơn.
Nguồn Báo Bình Định