CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Xây dựng bộ máy hành chính công khai, minh bạch, hiệu quả
Thứ tư 12/10/2022 09:08

Ngày 5.10, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND về nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh đến năm 2025. Mục đích chính là xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh, góp phần xây dựng bộ máy hành chính công khai, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, nhất là chính quyền cấp cơ sở.

Kế hoạch số 135/KH-UBND đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kết quả Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (Chỉ số PAPI) của tỉnh nằm trong nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước và nhóm 3 địa phương dẫn đầu khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, điểm chỉ số năm sau cao hơn năm trước.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức giám sát công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 tại phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn). Ảnh: N.MUỘI

Để đạt được mục tiêu đó, Kế hoạch đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nội dung liên quan, gồm: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Thủ tục hành chính (TTHC) công”, “Cung ứng dịch vụ công”, “Quản trị môi trường” và “Quản trị điện tử”.

Đáng chú ý, từ thực tiễn kết quả PAPI những năm gần đây, nội dung “Công khai, minh bạch” nhận được nhiều sự quan tâm qua Kế hoạch số 135/KH-UBND. Giải pháp quan trọng đặt ra là thực hiện đúng quy định về bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo; công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, kết quả bình xét, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo. Công khai, minh bạch danh sách, chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, các khoản đóng góp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.

PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do UNDP khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo kết quả chỉ số PAPI 2021, Bình Định đạt 41,4/80 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố; giảm 15 bậc so với năm 2020.

Bên cạnh đó, các dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị liên quan đến xã, phường, thị trấn đều phải tổ chức lấy ý kiến góp ý của người dân tại địa phương. Thực hiện công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và khung giá đất hiện thời theo quy định pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của huyện, thị xã, thành phố và tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn. Kịp thời cập nhật, công khai khi có sự điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mức giá đền bù khi thu hồi đất; công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Sĩ Dũng, đây là vấn đề quan trọng trong bối cảnh các công trình, dự án lớn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh với lượng lớn đối tượng phải thực hiện thu hồi đất, giải tỏa và đền bù. “Công khai, minh bạch mọi hoạt động sẽ góp phần nâng cao sự hài lòng, tin tưởng của người dân với chính quyền”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, cần tiếp tục chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hướng đến hiệu quả thực chất, bền vững.

Đối với nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”, yêu cầu đặt ra là các dự án đầu tư, công trình do nhân dân đóng góp xây dựng, do Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho xã, phường, thị trấn phải có sự tham gia giám sát của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Đối với nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Lãnh đạo các đơn vị giáo dục công lập công khai, minh bạch các khoản phí, lệ phí theo quy định; tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm; không để xảy ra tình trạng “chạy trường, chạy lớp”, công khai, minh bạch trong tuyển sinh đầu cấp; không để xảy ra tình trạng phụ huynh phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn.

Đối với nội dung “TTHC công”, mấu chốt là nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng; không để tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần để giải quyết hồ sơ; nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn.

Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt trong lĩnh vực cải cách TTHC. Gần đây, UBND TP Quy Nhơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC trễ hạn. Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam trực tiếp chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các xã, phường tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp để xảy ra việc trễ hạn hồ sơ giải quyết TTHC theo danh sách do Văn phòng UBND tỉnh công bố hằng tháng. Trong đó, tập trung làm rõ nguyên nhân đối với các cá nhân nhiều lần gây trễ hạn để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục triệt để.

Biết để tin, chia sẻ, đồng thuận, hài lòng

Kế hoạch số 135/KH-UBND nhấn mạnh: Tiếp tục thông tin, tuyên truyền việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, quy chế dân chủ nơi làm việc, công tác dân vận chính quyền; công khai, minh bạch đối với các hoạt động quản lý hành chính công trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, nội dung trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng ứng dụng chuyển đổi số một cách trực quan, sinh động.

Từ đó, đưa thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định tại địa phương đến người dân biết, nhằm nâng cao lòng tin, sự chia sẻ, đồng thuận và hài lòng của người dân với chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Báo Bình Định