Dự Hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định có đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên; lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh và các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Văn phòng Tỉnh ủy. Ảnh: Vũ Luân
Nhìn lại thời gian qua, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, cá nhân, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội và đất nước. Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở nước ta còn thấp; thể chế, chính sách còn nhiều bất cập; cơ cấu và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành chưa đồng bộ và hiệu quả; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, và đây cũng là lý do để Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, nhằm mục tiêu tổng quát là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Các mục tiêu cụ thể Nghị quyết nêu: đến năm 2025, 2030, với tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Về tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, trong năm 2019, các báo cáo viên cấp Trung ương đã thực hiện hơn 120 buổi tuyên truyền miệng về các nghị quyết của Đảng và các chuyên đề; xây dựng nhiều chuyên đề sát với yêu cầu, đặc thù và nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên, đáp ứng các tiêu chí: nội dung phù hợp thực tiễn, có định hướng và phản bác được các luận điệu xuyên tạc, sai trái. Trong năm 2020, công tác tuyên truyền miệng cần tập trung nâng cao chất lượng, nêu bật diễn biến hiện tại, dự báo tình hình và các giải pháp thực hiện; đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, chú trọng tuyên truyền các tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung tuyên truyền các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước, đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…
Vũ Luân