Gần 4 tỷ người, tức 1/2 nhân loại không được bước ra khỏi đường vì một loại virus nhỏ bé, vô hình. Chưa bao giờ hai từ "Đoàn kết" lại được nhắc đến nhiều như vậy bởi những nhà lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế trong bối cảnh "cơn sóng thần" COVID-19 khiến toàn cầu chao đảo. Virus SARS-CoV-2, mà giới khoa học ngậm ngùi: "chúng ta chỉ biết rất ít về nó", các chính trị gia gọi đó là "kẻ thù vô hình", đã đặt các quốc gia vào tình trạng khẩn cấp như thời chiến với những mối đe dọa về sức khỏe, tính mạng và gây nên khủng hoảng đời sống, kinh tế toàn cầu nghiêm trọng. Vì không nhìn thấy "kẻ thù" bằng mắt thường, vũ khí chiến đấu của con người lúc này chỉ có thể là sự sáng suốt, bình tĩnh, ý chí, nhận thức và tinh thần đoàn kết. Để có thêm thời gian trong cuộc chạy đua tốc độ với virus, để chiến đấu lâu dài, hạn chế tình trạng lây lan, giảm thiểu bệnh nhân và đưa cuộc sống trở lại bình thường sớm nhất có thể.
CHIẾN THẮNG BƯỚC ĐẦU CỦA MỘT QUỐC GIA ĐOÀN KẾT
Sau 3 tháng rung lắc, sang chấn, các quốc gia dù phản ứng nhanh hay chậm cũng đã vào cuộc để bảo vệ công dân của mình, giảm tốc độ lây nhiễm, chữa trị các ca bệnh Nhiều nước đóng cửa biên giới. Những cái bắt tay, ôm hôn đang phải ghìm giữ. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo này, chúng ta được thấy một Việt Nam tuyệt vời, quả cảm, phát huy sức mạnh tổng hợp với những phẩm chất, căn tính tốt đẹp ngàn đời là tinh thần đoàn kết, bao dung, sự chia sẻ và sống có nghĩa có tình.
Dalia Research là một công ty truyền thông có trụ sở tại Berlin (Đức) có khả năng xỷ lý 1 tỷ câu trả lời trên hơn 150 nước trong 1 tháng. Cuối tháng 3, công ty này đã đưa ra kết quả khảo sát quy mô từ khi COVID-19 bùng phát. Câu hỏi đặt ra là: "Người dân đánh giá phản ứng của Chính phủ nước mình với COVID-19 ra sao"? 32.631 người tại 45 quốc gia đã đưa ra ý kiến. 62% người Việt được Daila hỏi đã cho rằng Chính phủ Việt Nam đã hành động "đúng mức" (right amount). Việt Nam được đứng ở cuối bảng, nghĩa là chỉ số niềm tin này cao nhất thế giới trong bảng nghiên cứu. (Thái Lan đứng đầu bảng với 79% người Thái nghĩ rằng chính phủ Thái đã làm quá ít).
Theo điều tra của Viện Dư luận và Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương với 21.277 lượt người tham gia trả lời, có 85% người dân hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ khống chế, dập tắt dịch COVID-19.
Niềm tin lúc này là một thứ tài sản vô cùng quý báu, bởi nó là nguồn lực và sức mạnh. Niềm tin cũng là minh chứng cho kết quả của sự đồng thuận xã hội, đoàn kết dân tộc, đồng lòng, chung sức trong cuộc chiến chống đại dịch.
Việt Nam không phải là quốc gia mạnh nhất thế giới nhưng trong cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam có được niềm tin cao nhất của nhân dân. Bởi vì, Việt Nam luôn đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Việt Nam biết mình, biết ta, biết sự phức tạp và nghiêm trọng của dịch bệnh nên không chủ quan. Mỗi bước đi đều căng mình trong thận trọng nhưng vô cùng quyết liệt. Khi thế giới ở nơi này, nơi khác còn chưa có sự chuẩn bị, còn chần chừ chọn lựa giữa bảo vệ sức khỏe và bài toán kinh tế, Việt Nam đã sẵn sàng hành động.
Điểm lại tình hình, ngày 29-1, khi bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra mới chỉ lây lan ở 18 quốc gia trên thế giới, Trung ương Đảng đã nhận định đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, lây lan nhanh và chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên diễn biến phức tạp, có khả năng lan rộng và bùng phát rất cao. Ban Bí thư đã ban hành công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về công tác phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu phải coi đây là nhiệm vụ "trọng tâm, cấp bách" để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và bộ, ngành đề ra. Bộ Chính trị kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.
Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt, không một phút chần chừ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của nhân dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ và đạt được những kết quả thắng lợi bước đầu. Chúng ta đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn, cách ly triệt để, chăm sóc và điều trị tốt, phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả, nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Thế giới bày tỏ ấn tượng trước những kết quả Việt Nam đã làm được. Người dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng, chung sức với Đảng, Nhà nước trong việc xử lý cuộc khủng hoảng toàn cầu này.
Chiến thắng bước đầu này là chiến thắng của cả một quốc gia đoàn kết. Là chiến thắng từ các quyết sách đúng và dứt khoát của Đảng, Nhà nước và từ sự đồng lòng hưởng ứng, nỗ lực hợp tác của người dân.
Người dân thôn Hạ Lôi thường xuyên được kiểm tra đo thân nhiệt. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
CHUNG SỨC, ĐỒNG LÒNG: "CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC"
Ngay từ đầu, Việt Nam đã chọn thái độ ứng xử đúng với dịch bệnh là "chống dịch như chống giặc". Nhờ đó, ta có được tâm thế chủ động, đánh giá đúng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh mà không chủ quan, lơ là, cả ở hai phía: chính quyền và người dân.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Những thời điểm ra lời kêu gọi chính là những thời điểm cần huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết thư "Kính cáo đồng bào" ngày 6-6-1941, kêu gọi toàn thể nhân dân đoàn kết để đánh đuổi Pháp, Nhật: "Chúng ta phải đoàn kết lại..." Việc cứu nước là việc chung của mọi người Việt Nam, ai cũng phải gánh một phần trách nhiệm: "Người có tiền, góp tiền, người có của, góp của, người có sức, góp sức, người có tài năng góp tài năng...". Dân tộc Việt Nam giành được thắng lợi, phần nhiều dựa vào tinh thần đoàn kết một lòng ấy của nhân dân cả nước.
Trong trận chiến chống dịch COVID-19, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân, các tầng lớp nhân dân, các giới tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng... Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân… Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng.
Những ca bệnh COVID-19 nặng nhất hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và đều có những tiến triển tích cực. Trong ảnh: Thực hiện lọc máu liên tục (CVVH) cho một ca bệnh nặng. (Ảnh: TTXVN )
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên khắp toàn cầu. Đến cuối tháng 3, thế giới đã có 72 vạn người nhiễm bệnh, 3,5 vạn người tử vong ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, con số này vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi: "Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19".
Lời hiệu triệu sâu sắc đã nhấn mạnh thông điệp về đoàn kết: "Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh".
"Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh". |
MỖI NGƯỜI DÂN LÀ MỘT CHIẾN SĨ
Mỗi người dân lúc này là một chiến sĩ trên mọi mặt trận: thể lực, sức khỏe, tinh thần và công việc, trách nhiệm xã hội, ý thức xã hội... Chúng ta có những chiến sĩ áo xanh ngời sáng phẩm chất "bộ đội cụ Hồ", chúng ta cũng có những y bác sỹ - chiến sĩ áo trắng đang căng mình ở tuyến đầu của trận chiến chống virus SARS-CoV-2... Chúng ta có những người dân bình dị mà cao quý với những nghĩa cử đẹp, hành vi đẹp, lời nói đẹp. Chúng ta chia sẻ cho nhau niềm yêu thương, sự cảm thông, nỗi lo lắng và tri thức, hiểu biết về dịch bệnh. Chúng ta ủng hộ, lan tỏa điều tốt và đấu tranh với những hành vi thiếu trung thực trong khai báo, thiếu trách nhiệm trong giao tế, tiếp xúc xã hội. Chúng ta lên án những kẻ tung tin giả, tin đồn, gây hoang mang và những kẻ đang ra sức lợi dụng tình hình dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Chúng đang ngồi nhặt nhạnh, lắp ghép, tô vẽ những kịch bản tin tức giả mạo để hòng chia rẽ khối đoàn kết mà ta đang vun đắp. Chúng muốn Đảng ta suy yếu, Nhà nước ta suy yếu, đồng nghĩa với việc nhân dân ta mất đi niềm tin.
Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên nhà ăn trong Trường quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô) chuẩn bị các hộp xốp đựng suất cơm cho các công dân đang cách ly tại đây
Đoàn kết được nhắc đến nhiều lần, không phải là mỹ từ để hô khẩu hiệu, mà đoàn kết là thực tế hiển hiện sinh động và là yêu cầu gắt gao của thời cuộc. Đoàn kết là sức mạnh. Vậy sức mạnh đoàn kết từ đâu ra? Người Việt hiểu sức mạnh của mình từ đâu đến, bởi vì chúng ta có truyền thống, có lịch sử, có văn hóa và văn hiến làm điểm tựa, chúng ta có sự bền bỉ, kiên tâm vượt qua nghịch cảnh. Dân tộc Việt Nam đã trải qua chiến tranh, chiến thắng nhân tai, địch họa, thiên tai, dịch bệnh... Bài học của lịch sử để lại và di truyền trong máu chúng ta là tính cố kết cộng đồng được nâng lên thành đoàn kết. Mỗi khi gặp khó khăn thì truyền thống yêu nước, nhân nghĩa lại được lan tỏa, bồi đắp. Tất nhiên, trong thời đại ngày nay, đoàn kết phải được củng cố vững bền thêm ở những hình thái khác. Đó là ý thức công dân, là trách nhiệm xã hội, là kỷ luật, tự giác, là đồng lòng vì cái chung và cũng vì mối an nguy của riêng mỗi người. Mỗi người dân góp phần việc của mình, chia sẻ điều kiện của mình là đoàn kết. Rửa tay thường xuyên, tập thể dục, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang, khai báo y tế trung thực, cập nhật thường xuyên thông tin, nhắc nhở người thân, gia đình biện pháp phòng dịch... là đoàn kết, là yêu nước.
Đoàn kết chính là cách thức mà quốc gia và công dân của mình liên kết với nhau để chung sức, chung lòng đẩy lùi dịch bệnh. Những chuẩn mực xã hội đang được thiết lập, sự tôn trọng dành cho những cá nhân biết tôn trọng quy tắc, kỷ luật và biết cách bảo vệ bản thân, cũng như bảo vệ cộng đồng. Nghịch lý thay nhưng lại rất hợp lý, những thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong trận chiến này như "tự cách ly" (self-quarantine), "giãn cách xã hội" (social distancing), cô lập (isolation)... đang là biểu hiện quan trọng của đoàn kết xã hội. Chỉ "ai chỗ nào ở yên chỗ đấy" cũng có thể là biểu hiện của chung tay, của đoàn kết, của thái độ dũng cảm, biết hy sinh và hành động văn minh, kỷ luật, trách nhiệm. Lại nhớ chuyện, tháng 4 năm 1959, đến thăm các kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội, với chiếc đồng hồ quả quýt lấy ra từ túi áo, Bác Hồ nói, cái đồng hồ có nhiều bộ phận có chức năng làm việc riêng, nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Để tạo nên mối nối thật sự vững chắc thì mỗi người là một mắt xích phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng, phát huy khả năng, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
"ĐOÀN KẾT Ở MỨC ĐỘ TOÀN CẦU LÀ THANG THUỐC GIẢI HỮU HIỆU"
Chiến thắng của quốc gia thuộc về cách thức mà mỗi quốc gia và công dân của mình liên kết với nhau để vượt qua đại nạn. Còn chiến thắng của nhân loại, của thế giới, phụ thuộc vào năng lực quản trị của từng quốc gia và khả năng đoàn kết, chia sẻ với nhau. Trong tuyên bố COVID -19 đã trở thành "đại dịch toàn cầu", ngày 11-3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Guterres khẩn thiết: "Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch ngày hôm nay là một lời kêu gọi hành động gửi tới mọi người, mọi nơi trên thế giới. Tuyên bố cũng là lời kêu gọi trách nhiệm và sự đoàn kết, các quốc gia cần đoàn kết lại và mọi người dân trên thế giới cần đoàn kết lại".
Học giả Yuval Harari, tác giả của những cuốn sách: "Lược sử loài người", "Lược sử tương lai" và "21 bài học của thế kỷ 21" nhận định, "thang thuốc giải hữu hiệu cho bệnh dịch không phải là chia rẽ mà là đoàn kết", và phải là "với tinh thần đoàn kết ở mức độ toàn cầu". Sự đoàn kết này thể hiện ở việc chia sẻ những nguồn thông tin khoa học đáng tin cậy, công khai minh bạch các thông tin vào dịch bệnh. Yuval Harari cho rằng, để có được sự đoàn kết, cần phải có niềm tin mạnh mẽ và sự hợp tác quốc tế cao độ giữa các quốc gia. Sự vắng mặt của niềm tin và gắn kết toàn cầu sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục lây lan. Mỗi mối nguy đều tồn tại cơ hội. Dịch bệnh lần này hy vọng sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại về sự nguy hiểm của chia rẽ toàn cầu.
Rõ ràng, đại dịch và khủng hoảng kinh tế là vấn đề của thế giới, của toàn thể nhân loại. Và với tầm mức đó, nó chỉ có thể được giải quyết hiệu quả nếu các quốc gia cùng hợp tác. Nhân loại đang chạy đua với virus để giành chiến thắng. Khi cuộc chiến này đi qua, chúng ta phải đối diện với những thảm họa tồi tệ về khủng hoảng kinh tế, tâm lý và nhiều điều khác nữa. Một thế giới bị tổn thương chỉ có thể hàn gắn và hồi phục bằng sự đoàn kết và chia sẻ.
Tinh thần quyết tâm cao của Việt Nam đã tạo nên sức mạnh kiên cường để chiến đấu và quyết chiến thắng đại dịch Covid-19.
Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại phải đi cùng một nhịp. Trong Lời kêu gọi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, trong tình hình hiện nay, sự đoàn kết và phối hợp hành động toàn cầu là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho chiến thắng cuối cùng của thế giới trước đại dịch này. Trong điều kiện nguồn lực đất nước còn khiêm tốn, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cũng đã bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc và đang hết sức nỗ lực, cố gắng, nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước, nhất là các nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Cuộc chiến còn lâu dài và phức tạp. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý: "Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa". Để vượt qua và chiến thắng, chỉ có thể đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận, mới có thể biến nguy thành cơ. Ta lại nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà"./.
Thanh Thu
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch COVID-19 Trong công cuộc dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc, việc tập hợp, đoàn kết và huy động được sức mạnh của nhân dân tham gia là chìa khóa chủ yếu dẫn tới thắng lợi. Toàn dân đoàn kết trở thành truyền thống nổi bật và cực kỳ quý báu của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Đây là quan hệ nhân quả: đoàn kết tạo nên sức mạnh, sức mạnh được thống nhất sẽ đưa tới thành công. Trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, không hiếm những ví dụ tiêu biểu về truyền thống đoàn kết toàn dân. Thế kỷ XIII, quân Mông - Nguyên mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ ba lần động binh xâm lược Việt Nam nhưng cả ba lần đều bị đánh bại. Trước thế địch mạnh, quân đông, hung hãn, các vua Nhà Trần đã biết đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân. Hội nghị Diên Hồng, với sự tham dự của đại diện các tầng lớp nhân dân, đã tạo được sự đồng thuận về tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ giang sơn. Hội nghị Bình Than, với sự tham dự của bá quan văn võ, các vương hầu, quý tộc triều đình, cũng thể hiện ý chí "Sát Thát" đánh giặc, giữ nước. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn từng nói với vua Trần: Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc, ấy là thượng sách để giữ nước. Chiến công ba lần đánh thắng quân Mông - Nguyên xâm lược là minh chứng sự đoàn kết khi "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức". Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thế kỷ XV, quân sư Nguyễn Trãi từng nói với chủ tướng khởi nghĩa Lam Sơn Lê Lợi: đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Chính vì biết dựa vào dân nên Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã phát huy được sức mạnh của cả nước để giành thắng lợi. Ở thời hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân đã kết thành một khối vững chắc, chiến đấu và đã "chiến thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ". Đó là do Đảng đã sớm đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, triển khai cuộc chiến tranh nhân dân, phát huy được sức mạnh vô địch của nhân dân. Hội nghị Chính trị đặc biệt (3-1964), một Hội nghị Diên Hồng thời đại Hồ Chí Minh, đã thể hiện ý chí thống nhất, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của cả nước. Trong những ngày này, sự đoàn kết toàn dân lại được thể hiện mạnh mẽ trong việc phòng chống đại dịch COVID-19. Bộ Chính trị, Chính phủ, các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn dân đang chung tay, góp sức đối phó với một thứ giặc mới đang hàng ngày, hàng giờ đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng của người dân. Toàn dân đồng lòng hưởng ứng, ủng hộ và nghiêm túc thực hiện các quy định của Chính phủ. Tinh thần tương thân tương ái được thể hiện mọi lúc, mọi nơi. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội sẵn sàng nhường nơi ở, sinh hoạt của mình làm khu cách ly. Hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế, các chiến sĩ cửa khẩu, không quản hiểm nguy, túc trực 24/7 tại vị trí phân công. Hàng nghìn sinh viên tình nguyện sẵn sàng lên đường. Hàng trăm khách sạn, resort trở thành nơi cách ly. Hàng trăm tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ và người dân quyên góp. Việt Nam giang rộng vòng tay đón hàng trăm nghìn công dân trở về. Tất cả các dịch vụ ăn ở, đưa đón, thăm khám, xét nghiệm, chữa trị, kể cả cho người nước ngoài có mặt ở Việt Nam đến lúc này đều miễn phí. Ý Đảng hợp với lòng dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh cam go này. Một lần nữa, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết được phát huy bởi Đảng đã luôn nhận thức rằng "khó vạn lần dân liệu cũng xong". |
PGS. TS. Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Niềm tin và ý thức trách nhiệm để chiến thắng đại dịch Số lượng người bị nhiễm Sars-CoV-2 vẫn đang tăng lên từng ngày ở nhiều nước trên thế giới và ngay tại Việt Nam. Chưa bao giờ cuộc sống của người dân lại đảo lộn như hiện nay. Tuy nhiên, những chỉ đạo, hành động quyết liệt của toàn Đảng, Nhà nước trong thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn xã hội và ngày càng củng cố niềm tin chiến thắng dịch bệnh của Việt Nam. Niềm tin chiến thắng dịch bệnh của chúng ta hoàn toàn có cơ sở. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, toàn hệ thống chính trị vào cuộc, quân đội chi viện, nhân dân hỗ trợ, đến hết tháng 3 - 2020, chúng ta đã có gần 60 ca đã được hoàn toàn chữa khỏi. Với quan điểm "không bỏ lại ai phía sau" chúng ta đã xây dựng chiến lược dự phòng với tình huống xấu nhất, xây dựng các kịch bản cách ly theo các mức độ. Tập huấn cho mạng lưới y tế từ tuyến xã đến tuyến trung ương, kết nối các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo đủ nguồn cung các thiết bị y tế. Nhất quán với chiến thuật giám sát chặt, cách ly nhanh, khoanh vùng triệt để, nhà nước đã triển khai nhiều chính sách như khai báo y tế điện tử toàn dân và du khách nước ngoài, xét nghiệm và điều trị miễn phí, cách ly miễn phí và hỗ trợ tiền ăn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, kiểm soát nhập cảnh ngưng tiếp nhận người nước ngoài vào Việt Nam. Các chính sách ngăn chặn lây lan cũng đã được thực hiện kiên quyết như đóng cửa trường học, ngưng mọi hoạt động tập trung đông người, bắt buộc sử dụng khẩu trang nơi công cộng, yêu cầu các đơn vi kinh doanh tạm thời đóng cửa.
Trên mặt trận truyền thông, các thông tin liên tục được cập nhật thường xuyên và minh bạch dưới nhiều hình thức từ tin nhắn, mạng xã Những thành công bước đầu trong quá trình chống dịch bệnh càng chứng minh sức mạnh đoàn kết của dân tộc có thể vượt qua mọi khó khăn để đương đầu với thử thách. Sự đoàn kết đó được xây dựng từ một tầm nhìn chung, thể hiện qua việc chia sẻ các mục tiêu nhân văn, sự tin tưởng và viễn tượng về tương lai chiến thắng. Nó tạo nên một bầu không khí thân thiện và gia tăng sự hăng hái cho các cá nhân để hoàn thành tốt các trách nhiệm của mình. Để tăng lên tinh thần đại đoàn kết, mỗi cá nhân cần phải xem cả dân tộc như chính người thân trong gia đình mình, cùng hướng tới những mục tiêu chung, những giá trị tích cực. Bất kỳ một dấu hiệu thiếu tôn trọng bản thân hoặc cộng đồng đều có thể làm cho tinh thần đoàn kết bị đổ vỡ. Việc không tuân thủ các hướng dẫn, chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, hay tích trữ vị kỷ đều làm xói mòn tinh thần đoàn kết và những kết quả chúng ta đã đạt được. Trong bối cảnh này, ý thức của mỗi người dân sẽ là những liều vắc xin phòng chống dịch, tinh thần đoàn kết chính là hệ miễn dịch của xã hội trước đại dịch. |
Đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội: Cái được lớn nhất là sự tin tưởng của nhân dân Tối 6-3, trong cuộc họp khẩn lúc 22 giờ 30 phút, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức công bố ca bệnh COVID-19 đầu tiên, tạm trú trên địa bàn phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Chúng tôi ngay lập tức đã triệu tập các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của phường, các lực lượng chức năng như: trạm y tế phường, công an, ban chỉ huy quân sự phường, các bác trên địa bàn dân cư…, thành lập thành 4 tổ công tác, đến từng nhà dân trong khu vực bị cách ly để thông báo về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, giải thích những giải pháp phòng, chống lây nhiễm ban đầu, xác định các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, trường hợp tiếp xúc gần của tiếp xúc gần. Trên cơ sở khảo sát điều tra đó, đến 3h30 phút sáng ngày 7-3, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng đưa 21 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đi cách ly theo quy định. Trong ngày 7-3, các cấp ủy đảng, chính quyền phường tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho bà con trong con phố bị cách ly như: đảm bảo về nhu yếu phẩm, điện nước sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với trường hợp cần thiết… Bữa trưa ngày 7-3, các lực lượng chức năng của phường đã cung cấp khẩu phần bữa ăn trưa kịp thời khi bà con chưa kịp chuẩn bị. Những việc làm nhỏ ấy đã tạo nên sự yên tâm, tin tưởng của bà con trong khu phố. Tâm lý lo lắng, hoang mang trong đêm hôm trước dần qua đi. Một ví dụ sinh động, có 3 trường hợp là cư dân trên địa bàn đang đi công tác tại thời điểm cách ly. Khi đi công tác về, họ chủ động xin được vào cách ly cùng gia đình. Trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí, bà con đều bày tỏ: "Tôi cảm thấy bên trong khu vực cách ly an toàn hơn bên ngoài rất nhiều". Có thể khẳng định, bà con hoàn toàn tin tưởng vào các giải pháp mà các cấp ủy đảng, chính quyền đang triển khai. Trong thời gian bị cách ly, người dân trên địa bàn phường đã nhận được sự quan tâm hết sức kịp thời của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, các đơn vị bạn đã hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn. Bản thân những người trong các tổ công tác luôn làm việc với tinh thần lăn xả, không có tâm lý lo sợ, né tránh để đảm bảo hiệu quả công việc cao nhất. Chúng tôi đều ăn, ngủ trực tiếp tại cơ quan làm việc, thời gian làm việc trung bình là 16 giờ/ngày, liên tục trong 14 ngày, không về nhà. Sau 14 ngày cách ly, sức sống mới đã hiện rõ trên phố Trúc Bạch. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho bà con và các tổ công tác không để lây nhiễm, phát sinh ca bệnh nào mới, cái được lớn nhất của chúng tôi chính là sự tin tưởng của bà con nhân dân. Bên cạnh đó, là sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ của người dân với chúng tôi. Xác định trong thời gian tới, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, UBND phường tiếp tục tổ chức các đoàn công tác, vào tận nhà để tiếp tục thăm khám cho bà con trong khu vực, để có thể phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Tuyên truyền, vận động bà con tránh tâm lý chủ quan; tiếp tục đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, sát khuẩn họng… Đối với các lực lượng chức năng ở phường, chúng tôi cũng phải tự nâng cao sức đề kháng, phân công công viêc hợp lý, luân phiên để có thể góp phần phòng, chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả nhất. |
Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo