CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Thông báo kết quả Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3 khóa XIII
Thứ hai 19/07/2021 17:01
Ngày 19/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị thông báo kết quả Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ3 khóa XIII cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thông báo các nội dung tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3.

Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị Trung ương lần thứ 3 diễn ra từ ngày 05 đến ngày 08/7/2021 tại Hà Nội, đã thảo luận về các nội dung:(1) Tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; (2) Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII; (3) Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; (4) Quy định thi hành Điều lệ Đảng; (5) Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; (6) Cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước và phương án giới thiệu bổ sung nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026; (7) Bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII; (8) Xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ; (9) Báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 2 đến Hội nghị Trung ương 3 và các nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4; (10) Báo cáo tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu cấp ủy các địa phương, sở, ngành, cơ quan, đơn vị cần tập trung nghiên cứu kết quả Hội nghị để nhanh chóng phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị. Quán triệt tốt 5 quan điểm: (1)Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. (2) Tập trung đổi mới, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với nâng cao chất lượng xây dựng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả. Phát triển nhanh, hài hòa, hợp lý, hiệu quả hơn giữa các vùng kinh tế, các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. (3) Tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy tối đa nhân tố con người, xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu cao nhất của sự phát triển. Kết hợp hài hoà, hợp lý, hiệu quả giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường bền vững. (4) Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực là quan trọng, đột phá. (5) Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; gắn kết chặt chẽ, hài hoà, hợp lý, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời, các cấp, các ngành, địa phương, báo cáo viên các cấp cần tiếp tục có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp tích cực phấn đấu hoàn thành 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%/năm; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3  Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Tập trung thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn ưu tiên; bảo đảm đời sống, sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm "5K + vắc-xin" và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; khẩn trương triển khai chiến lược vắc-xin toàn diện, hiệu quả; tổ chức tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho đa số người dân, sớm đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Nghiên cứu, xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả. (2) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển. (3) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số, xã hội số. (4) Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. (5) Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường sắt) ở các vùng kinh tế trọng điểm và còn khó khăn; hạ tầng năng lượng; hạ tầng tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. (6) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. (7) Nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành, phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của từng vùng; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển liên kết vùng, liên vùng, có thể chế điều phối vùng, cơ chế, chính sách để phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, sớm tạo các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới, đẩy mạnh liên kết nội vùng và giữa các vùng. (8) Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. (9) Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. (10) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với mở ra môi trường đổi mới sáng tạo; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. (11) Phát triển kinh tế đi liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyêt, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ…(12) Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, phấn đấu hoàn thành phân giới cắm mốc, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về biên giới, lãnh thổ, trong đó có việc thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Làm tốt công tác bảo hộ công dân, người Việt Nam ở nước ngoài…

N.H.H