Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo, thế mạnh, khả năng đóng góp của phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều mục tiêu về bình đẳng giới đạt kết quả rõ nét. Đời sống vật chất, tinh thần, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao. Các tầng lớp phụ nữ phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực học tập, lao động, đạt nhiều thành tích trên mọi mặt đời sống xã hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện có hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Tuy nhiên, công tác phụ nữ và hoạt động của Hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển có mặt hạn chế; giáo dục gia đình chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng mất cân bằng sinh và già hoá dân số có xu hướng gia tăng; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ, động viên, giúp đỡ hội viên, phụ nữ có lúc, có nơi chưa kịp thời… Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực.
Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của các tầng lớp phụ nữ. Đại hội diễn ra trong bối cảnh các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc đến nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Những vấn đề mới đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho phong trào phụ nữ và hoạt động Hội.
Để lãnh đạo Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đạt kết quả tốt, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy và tổ chức đảng tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của phụ nữ, về công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.
Hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về phụ nữ, lao động nữ, cán bộ nữ; chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, phụ nữ khuyết tật, đơn thân.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội, tạo điều kiện để Hội thực hiện tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp phụ nữ, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao trình độ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ. Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những lĩnh vực mới; tạo mọi điều kiện để phụ nữ ngày càng chủ động, tham gia có hiệu quả trong công tác quản lý, khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, sáng tạo nghệ thuật.
Kiên quyết lên án, đấu tranh chống tư tưởng, hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại, xúc phạm và phân biệt đối xử với phụ nữ…
2. Chỉ đạo Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội. Báo cáo trình đại hội cần đánh giá đúng kết quả hoạt động của Hội, những đóng góp tích cực của phụ nữ trong nhiệm kỳ qua; nêu rõ hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Việc xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới ở mỗi cấp hội cần bám sát các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nghị quyết đại hội đảng bộ các địa phương, cơ quan, đơn vị. Chú trọng đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức hoạt động của các cấp hội; nâng cao vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trong bối cảnh mới. Gắn kết chặt chẽ các phong trào, cuộc vận động, hoạt động của Hội với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Bảo đảm lợi ích của tổ chức hội, hội viên, phụ nữ gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc. Tập trung giải quyết những vấn đề mới, khó, được xã hội và phụ nữ quan tâm.
3. Chỉ đạo công tác nhân sự Đại hội đại biểu phụ nữ cùng cấp bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình theo quy định của Đảng và Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhân sự ứng cử cơ quan lãnh đạo hội các cấp bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đủ phẩm chất, năng lực, có uy tín, kinh nghiệm; có số lượng, cơ cấu hợp lý, thể hiện tính liên hiệp, tính đại diện; có sự kế thừa và phát triển. Quan tâm bố trí tỷ lệ hợp lý cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước.
Phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trên trực tiếp trong dự kiến nhân sự giới thiệu vào các chức danh chủ chốt của tổ chức Hội; phân công cấp ủy viên có uy tín, đủ năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm trực tiếp phụ trách công tác Hội, ứng cử tham gia lãnh đạo tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ đồng cấp.
4. Các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan phối hợp, hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức đại hội thành công.
Thời gian tiến hành Đại hội từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh được tiến hành trong năm 2021: Cấp cơ sở từ quý I-2021, hoàn thành trong quý II-2021; cấp huyện hoàn thành trong quý III-2021; cấp tỉnh hoàn thành trong quý IV-2021. Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tổ chức vào tháng 3-2022.
5. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hướng dẫn công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, tạo không khí thi đua sôi nổi, lan toả mô hình tốt, cách làm hay; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, kịp thời đưa thông tin đến phụ nữ, người dân, nhất là phụ nữ khó khăn, yếu thế, ít có điều kiện tiếp cận thông tin, để Đại hội thực sự là ngày hội của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Chỉ đạo các cấp Hội phát động các phong trào thi đua thiết thực chào mừng Đại hội. Phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
6. Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Văn phòng Trung ương Đảng giúp Ban Bí thư theo dõi thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ./.