Họ là những người tài cao, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là những người con ưu tú của dân tộc. Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, ... là thế hệ cán bộ đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyển chọn để huấn luyện và đào tạo. Trong quá trình huấn luyện chính trị, các đồng chí đã bộc lộ tư chất, tài năng của cán bộ cách mạng, được Nguyễn Ái Quốc phát hiện và gửi vào những cơ sở đào tạo cán bộ cao cấp ở Trung Hoa và trường đào tạo lãnh tụ của Quốc tế cộng sản ở Liên Xô. Đồng chí Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành chung năm 1922, là giáo viên dạy giỏi, luôn truyền lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử dân tộc cho học sinh. Đồng chí Lê Hồng Phong trong quá trình được đào tạo tại trường Đại học Phương Đông khóa học ba năm (1928 -1931) đã bộc lộ những phẩm chất ưu tú, mẫu mực của người cộng sản, được nhận xét "là một người cộng sản tích cực và có kỷ luật" (1). Vì vậy, ngày 25/5/1929, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Trước khi Đảng ta ra đời, Lê Hồng Phong đã là đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô. Đồng chí Hà Huy Tập từ khi còn nhỏ đã nổi tiếng với tư chất thông minh, chịu khó, ham học. Bắt đầu sự nghiệp cách mạng, ở cương vị là một nhà giáo, đồng chí Hà Huy Tập đã giác ngộ cách mạng và luôn trăn trở, tìm lời giải đáp cho một câu hỏi lớn là làm cách nào để đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương. Năm 19 tuổi đồng chí Hà Huy Tập đã tìm ra con đường cách mạng, kiên định, vững vàng với cái đích hướng tới của người cộng sản là giải phóng dân tộc. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người thông minh, có chí lớn ngay từ khi còn đi học, là tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn cách mạng.
Họ là những nhà lý luận sắc bén. Đồng chí Trần Phú là một trong những nhà lý luận cách mạng tiên phong, có những đóng góp xuất sắc về lý luận đối với cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện Đảng ta mới thành lập, trình độ lý luận còn hạn chế, Luận cương chính trị đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác -Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, những luận điểm cơ bản trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo thông qua tại hội nghị thành lập Đảng. Bằng trí tuệ, sự nhạy bén chính trị và ngòi bút sắc bén, qua thực tiễn trong phong trào cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã thể hiện là một nhà lý luận sắc sảo, một cây bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng và chính trị của cách mạng Việt Nam. Đồng chí là người sáng lập, tổng biên tập của nhiều tờ báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng. Đồng chí đã hoàn thành cuốn "Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương" khi ở tuổi 23, tổng kết sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam trong những năm đầu do Đảng lãnh đạo. Đồng thời, đã viết nhiều bài đăng báo vạch trần, phê phán quan điểm phản động của các phần tử phản động Trôtxkít; tuyên truyền kiên định bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Cuốn "Tự chỉ trích" của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tác phẩm lý luận tiêu biểu, đóng góp rất quan trọng vào công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự.
Họ là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, về tinh thần bất khuất trước kẻ thù của người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng ta luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, biểu hiện rõ nhất ở lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp của Đảng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, ở tình thương yêu sâu sắc với nhân dân lao động. Trong mọi hoạt động, các đồng chí luôn gắn bó keo sơn với quần chúng, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của quần chúng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các đồng chí đều ra sức học tập, nắm vững lý luận của cách mạng, cùng ăn cùng ở với quần chúng, giác ngộ và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Trong những lúc gian lao, khó khăn nhất, các đồng chí luôn kiên định, giữ vững niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh chính nghĩa mà Đảng và dân tộc đã lựa chọn. Dù khi bị địch bắt, bị giam cầm, tra tấn dã man, chết đi sống lại bao lần, dù địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, lừa phỉnh hay mua chuộc nhưng không thể lay chuyển được tinh thần thép và ý chí kiên cường của người cộng sản. Đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Côn Đảo, bị đánh đập dã man trong khi đang ăn cơm, đồng chí vẫn điềm nhiên ngồi ăn bát cơm và nói: "Gươm giáo của kẻ thù có thể chặt đứt thép gang, nhưng nó phải oằn đi khi chặt phải dũng khí của người cộng sản"(2). Đó chính là chí khí, cốt cách, kiên trung của người cộng sản; là tấm gương vượt qua muôn vàn khó khăn của hoạt động bí mật và hoàn cảnh tù đày. Nhiều cuộc đấu tranh đã được tổ chức để vạch trần bản chất xâm lược, tàn bạo của chế độ thực dân và bọn tay sai; đồng thời đòi cải thiện chế độ lao tù hà khắc. Giữa chốn lao tù của thực dân những buổi trao đổi, bồi dưỡng lý luận và kinh nghiệm công tác cho các đồng chí tù chính trị vẫn được tổ chức. Các đồng chí đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, biến tòa án của chúng trở thành nơi xét xử bọn cướp nước và bán nước, luôn luôn giữ tư thế làm chủ tương lai, của người chiến thắng. Các đồng chí vẫn giữ khí phách hiên ngang đến hơi thở cuối cùng của người cộng sản.
Họ để lại những lời nhắn nhủ vô cùng ý nghĩa, là những lời bất hủ, còn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam. "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" là lời nhắn nhủ cuối cùng của đồng chí Trần Phú đến đồng chí của mình, hãy đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết và trước hết. Đồng chí Lê Hồng Phong trước khi nhắm mắt, đã để lại lời nhắn ý nghĩa: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng"(3). Giữ vững tin tưởng, lạc quan vào sự nghiệp cách mạng đó chính là khí tiết của người chiến sỹ cách mạng cộng sản. Đồng chí Hà Huy Tập, anh dũng hi sinh trước mũi súng của kẻ thù với câu nói: "Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động!"(4). Và, lời nhắn gửi cuối cùng đến đồng chí, đồng bào và gia đình: "Hãy xem tôi như người còn sống" thể hiện niềm tin mãnh liệt, khát vọng cống hiến, chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc. Tác phẩm Tự chỉ trích do đồng chí Nguyễn Văn Cừ biên soạn là một đóng góp giá trị vào kho tàng lý luận của Đảng ta, một tài liệu giáo dục chính trị - tư tưởng quan trọng cho cán bộ, đảng viên, đấu tranh trực diện với tư tưởng giáo điều tả khuynh và hữu khuynh, cải lương, thỏa hiệp, căn bệnh ích kỷ, hẹp hòi trong Đảng. Cho đến ngày nay, những nội dung trong tác phẩm này vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đó là lời nhắn nhủ: "Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm", là "công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ" (5).
Các đồng chí Tổng bí thư của Đảng ta là tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, dành trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp với ý chí, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của các đồng chí sống mãi trong những trang sử vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, luôn khắc ghi trong lòng mỗi người Việt Nam, trường tồn cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta học tập và làm theo.
(1), (2), (3) Lê Văn Tích (chủ biên) (2007), Lê Hồng Phong – Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
(4) Nguyễn Thị Kim Dung (2006), Hà Huy Tập - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
(5) Trần Minh Tường (chủ biên) (2007), Nguyễn Văn Cừ - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
PHAN THỊ HOA