Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ trước Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước _ Ảnh: Thu Thanh
Trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khoá XV Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách bầu Chủ tịch nước. Với 100% đại biểu (483/483) tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trước Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Phát biểu tại lễ nhậm chức, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn tới Quốc hội và cử tri cả nước và xin hứa sẽ luôn tu dưỡng đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thượng tôn pháp luật và tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp, thực hiện trọn vẹn, đầy đủ mọi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Trong bất kỳ hòan cảnh nào, dù khó khăn hay thuận lợi, Chủ tịch nước sẽ luôn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa và truyền thống thiêng liêng của dân tộc, vì sự phát triển lớn mạnh, toàn diện và bền vững của đất nước. Chủ tịch nước sẽ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức trong và ngoài nước. Tiếp tục cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; quan tâm thường xuyên, sâu sắc và hiệu quả đối với việc xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; luôn giữ gìn cuộc sống bình an cho nhân dân và sẵn sàng bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chủ tịch nước nhấn mạnh trong bất kỳ trọng trách nào mà Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó, Chủ tịch nước sẽ luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, tích cực lắng nghe, phát huy dân chủ, bám sát thực tiễn, kiên định "ý Đảng lòng dân", coi đó là cội nguồn sức mạnh để đưa đất nước vững bước tiến về phía trước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sau lễ nhậm chức _ Ảnh: Thu Thanh
Đánh giá về nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chủ tịch nước cho rằng, đây là thời kỳ có nhiều thử thách rất khắc nghiệt. Từ thảm họa môi trường Formosa, hạn mặn thế kỷ ở Tây Nam Bộ, thiên tai, bão lũ dồn dập, cho đến các căng thẳng thương mại, địa chính trị khu vực và quốc tế, đặc biệt là đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu. Tuy nhiên đó cũng chính là khoảng thời gian hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng được tôi luyện, trưởng thành thêm về bản lĩnh và quyết tâm, luôn không ngừng nuôi dưỡng tầm nhìn, khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam phát triển hùng cường theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. Trong một nhiệm kỳ, mặc dù còn những hạn chế, bất cập, nhưng đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD của GDP cùng với hơn 8 triệu việc làm, chưa bao gồm rất nhiều việc làm ở khu vực kinh tế phi chính thức; bảo đảm sinh kế, cơm ăn, áo mặc, y tế, giáo dục, phúc lợi cho nhân dân, đặc biệt là cho người nghèo trên khắp cả nước luôn là ưu tiên, trăn trở hàng đầu của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Đặc biệt, trong đợt dịch bùng phát dịch lần thứ tư này với khả năng lây lan mạnh của biến thể Delta, nhưng với niềm tin vào sức mạnh của "Hội nghị Diên Hồng" năm xưa của dân tộc ta, tinh thần đoàn kết vô địch của nhân dân ta, niềm tin và quyết tâm của Chính phủ, của tất cả chúng ta về một Việt Nam tất thắng trong việc kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, để Việt Nam tiếp tục làm nên những mốc son phát triển mới như Bác Hồ đã dạy: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công".
Nhân dịp này, Chủ tich nước bày tỏ lòng biết ơn đến đội ngũ y tế, lực lượng vũ trang, các ngành, các cấp từ trung ương đến các địa phương, cơ sở trên cả nước đã ngày đêm tận tụy, hy sinh đóng góp sức người, sức của cho công tác phòng, chống dịch, vì an toàn sức khỏe của nhân dân. Cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu, nhiệt thành của bạn bè quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài cả về vật chất lẫn tinh thần cho Việt Nam. Và đặc biệt, bày tỏ niềm tự hào sâu sắc vì sự nhân ái, bền bỉ và kiên cường trong gian nan, thử thách của đồng bào ta, dù khó khăn, vất vả nhưng vẫn lạc quan để đoàn kết vượt khó, chiến thắng dịch bệnh. Truyền thống "con rồng, cháu tiên", đạo lý "Bầu ơi, thương lấy bí cùng", ý chí vươn lên trong nghịch cảnh luôn là những phẩm chất vĩ đại làm nên mọi thắng lợi, đem về nhiều vinh quang cho dân tộc Việt Nam.
Trong phiên họp buổi chiều, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội khoá XV Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách bầu Thủ tướng Chính phủ. Với 100% đại biểu (479/479) tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Sau khi Nghị quyết được thông qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩ Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên thệ trước Quốc hội, cử tri và đồng bào cả nước_ Ảnh: Thu Thanh
Phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ gửi lời cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. "Đây là vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, trước đồng bào cử tri cả nước", Thủ tướng Chính phủ chia sẻ.
Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý báu, bài học tốt của Chính phủ qua các thời kỳ; xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo; thấm nhuần phương châm đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; "dân là gốc" và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chủ động, tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp; Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với nhân dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly. Với tư tưởng chỉ đạo "chống dịch như chống giặc" và vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân; nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vắc-xin; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân, tương ái, "thương người như thể thương thân" của nhân dân để chống dịch thành công. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong Chính phủ và chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Có biện pháp cụ thể để cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cấp dưới; đồng thời tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo ở các cấp; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Có kế hoạch, biện pháp cụ thể để kiên quyết, kiên trì thúc đẩy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch, xa dân; xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết, chủ động phát hiện, tháo gỡ theo thẩm quyền những "rào cản", "điểm nghẽn" về thể chế, cơ chế, chính sách làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trong mọi điều kiện trên cơ sở phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, nội lực là cơ bản, quyết định, tranh thủ ngoại lực là quan trọng, cần thiết; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh kinh tế, an ninh tài chính tiền tệ. Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh hợp tác công - tư, sử dụng nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Tích cực hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, bình đẳng cho các thành phần kinh tế, chủ thể sản xuất - kinh doanh và người dân. Tập trung rà soát và đề xuất phương án xử lý kịp thời, hiệu quả những tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình thua lỗ kéo dài. Tích cực khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Phân bổ nguồn lực, giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng phát triển động lực với những vùng còn nhiều khó khăn thách thức, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo. Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển mạnh mẽ giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng và hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm tạo động lực phát triển mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu sau lễ nhậm chức _ Ảnh: Thu Thanh
Đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy truyền thống, lịch sử hào hùng; xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc - xác định đây là những nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu cao nhất, vừa là động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Tuyệt đối không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chú trọng chăm lo, nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo thực chất, bền vững. Phát huy ưu thế thời kỳ "dân số vàng" và chủ động thích ứng với xu thế già hóa dân số của đất nước ta.
Tiếp tục củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là an ninh con người. Cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Kiên trì giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới. "Chính phủ và cá nhân tôi nguyện phấn đấu hết mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tiếp tục chương trình làm việc phiên buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Với 483/483 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,79% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, giữ chức vụ Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Với 480/480 phiếu hợp lệ (chiếm 96,19% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Với 480/480 đại biểu (chiếm 96,19% tổng số đại biểu) tham gia bỏ phiếu tán thành, Quốc hội khoá XV bầu đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2016 - 2021, giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2021 - 2026./.
Nguồn Tạp Chí Cộng sản