CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Khẳng định vai trò, vị thế người đại biểu của nhân dân
Thứ tư 17/03/2021 16:29
Ngày 19.3, HÐND tỉnh khóa XII sẽ tổ chức kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, vai trò, vị thế và uy tín của HÐND tỉnh tiếp tục được nâng lên; được các cấp, các ngành đánh giá cao, đông đảo nhân dân, cử tri đồng tình ủng hộ. Ðó là nền tảng quan trọng để cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở địa phương tiếp tục làm mới mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng của cử tri.

KỲ 1: Từ nghị trường đến thực tiễn cuộc sống

Hiệu quả hoạt động của HÐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã được "kiểm nghiệm" qua thực tiễn sinh động của đời sống nhân dân trong tỉnh, thể hiện qua những chuyển biến lớn, cũng như những thay đổi ở từng sự việc cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh từng bước đổi mới, phát huy vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong quyết định các vấn đề quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH, tiếp tục nâng cao đời sống và mang lại sự hài lòng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XII

Đáng chú ý, tại các kỳ họp trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của địa phương, trong đó đã thông qua 8 nghị quyết về công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực; 116 nghị quyết cụ thể hóa các quy định của pháp luật theo phân cấp; 40 nghị quyết về cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh...

"Các nghị quyết là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành triển khai thực hiện cũng như tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Đồng thời, góp phần khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực... để tỉnh phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực", ông Đoàn Văn Phi khẳng định.

Khi chính sách đi vào cuộc sống

Tháng 9.2016, thạc sĩ nhi khoa Huỳnh Thị Nga rời quê Gia Lai đến nhận công tác tại khoa Nhi sơ sinh (BVĐK tỉnh) theo diện thu hút. Ngoài khoản hỗ trợ nhận một lần, đến nay bác sĩ Nga vẫn còn được nhận hỗ trợ hằng tháng theo hệ số lương và tiền thuê nhà ở. Bên cạnh trình độ tay nghề cao, bác sĩ Nga còn được người nhà các bệnh nhi quý mến vì tấm lòng trong sáng, tận tâm với công việc.

"Chính sách thu hút là cần thiết, song tôi quyết định đến với khoa Nhi Sơ sinh của BVĐK tỉnh còn vì nhiều lý do khác. Ở đây có đầy đủ các thiết bị cơ bản phục vụ cho hoạt động chuyên môn để tôi có thể thực hành ngay những gì đã được học. Cùng với đó là một môi trường làm việc thân thiện, lành mạnh", bác sĩ Nga chia sẻ.

Bác sĩ Huỳnh Thị Nga là 1 trong số 109 bác sĩ, dược sĩ đại học được Sở Y tế tuyển dụng theo diện thu hút từ năm 2016 - 2020. Sau 5 năm thực hiện chính sách thu hút và ưu đãi đối với bác sĩ, dược sĩ, toàn tỉnh đã có 1.037 bác sĩ, dược sĩ đại học được hưởng chính sách ưu đãi hằng tháng; 37 bác sĩ, dược sĩ được hưởng chính sách đãi ngộ khác (tiền thuê nhà ở). Qua đó, góp phần khắc phục được tình trạng thiếu hụt nhân lực cho ngành Y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tỉnh; khích lệ, động viên được đội ngũ bác sĩ, dược sĩ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

Bên cạnh lĩnh vực xã hội, các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành trên lĩnh vực kinh tế cũng đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống, có giá trị thúc đẩy phát triển đời sống KT-XH của tỉnh. Điển hình như các nghị quyết về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với những chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh: Khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; về định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, giai đoạn 2016 - 2020; phát triển giống cây trồng; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ..., là những đòn bẩy để nông nghiệp - nông thôn của tỉnh có bước phát triển toàn diện, bền vững.

Chính sách hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn đã mang lại bộ mặt mới cho xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn

Một trong những chính sách đi vào cuộc sống, được người dân đánh giá cao là hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã bê tông hóa được khoảng 2.947 km đường giao thông nông thôn, bao gồm 1.132 km xây dựng tuyến mới và bê tông hóa 1.815 km đường hiện trạng. Kết quả này đạt 181% kế hoạch dự kiến ban đầu. Đằng sau những con số thống kê khô cứng là sự mở mang trong giao thương giữa những vùng đất, nông sản làm ra không bị ép giá, học sinh đến trường thuận tiện, an toàn. Đường sá rộng mở, người dân trồng hoa, xây dựng không gian sống ngày một tốt đẹp hơn.

Đi đến tận cùng vấn đề

Bên cạnh các nghị quyết mang lại hiệu quả cao trong thực tế, hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 còn để lại dấu ấn mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Không khí dân chủ, cởi mở đã tạo nên những cuộc tranh luận thẳng thắn ở nghị trường. 

Kỳ họp thứ 7 của HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra tháng 7.2018 có một sự kiện đặc biệt. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu (ĐB) Phạm Quang Ân (huyện Tuy Phước) nêu một câu chuyện khiến cả hội trường "giật mình": Nhiều cơ quan, địa phương trong huyện nhận được thông báo chiêu sinh rất đáng ngờ do Trường ĐH Công nghệ và quản lý hữu nghị (Hà Nội) liên kết với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định (thuộc Sở NN&PTNT, hiện nay đã sáp nhập về Trường CĐ Bình Định) đào tạo văn bằng 2 đại học ngành Quản lý nhà nước hệ chính quy. Theo thông báo, học viên chỉ học trong 3 kỳ, mỗi kỳ 4 tháng, mỗi tháng học 4 tuần, mỗi tuần chỉ học ngày thứ Bảy và Chủ nhật. "Trường chỉ đào tạo trong vòng 96 ngày, thời gian học cực ngắn nhưng có thể lấy bằng đại học thì chất lượng giáo dục sẽ như thế nào? Việc này các sở, ngành liên quan có nắm hay không? Liệu học xong chương trình với 96 ngày, học viên có thể nhận bằng chính quy hay không?", vị đại biểu thuộc thế hệ 8X chất vấn.

Phần trả lời sau đó của đại diện Sở GD&ĐT khiến ĐB Ân không đồng tình. Chủ tọa khi đó là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng đặt câu hỏi: "Tại sao một trường đóng trên địa bàn liên kết với một trường khác, mở lớp chiêu sinh ở đây mà không ai biết hết?". Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, đặc biệt là Sở NN&PTNT phải làm rõ.

Sau đó, khi kiểm tra lại, nhận thấy có nhiều sai sót, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh "tuýt còi" đối với hoạt động liên kết này.

Nhắc lại câu chuyện của gần 3 năm trước, ĐB Ân vui vẻ cho biết: "Sau khi sự việc ngã ngũ, nhiều người đã được trả lại học phí. Tôi thấy rất vui vì mình đã làm được việc có ích trên cương vị người đại biểu của nhân dân". Tôi hỏi thêm: "Là Phó Phòng NN&PTNT huyện, "vặn vẹo" cấp trên như vậy, anh có bị "nhắc nhở" không?". Anh cười: "Không hề! Mình nói đúng mà, cấp trên kiểm tra, xác minh sự việc, xử lý ngay để không ảnh hưởng về lâu dài".   

Và, cũng không ít trường hợp, một vấn đề được các đại biểu đeo đuổi trong nhiều phiên thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Đơn cử, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 9, ĐB Huỳnh Thúy Vân (nay là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh) và Trần Ánh Tuyết (TP Quy Nhơn) tiếp tục nêu bức xúc của cử tri đã nêu ra từ kỳ họp trước: Công ty TNHH SX-TM&DV Tiến Thuật (Khu Công nghiệp Phú Tài) mở rộng, san lấp mặt bằng nhưng chưa làm hệ thống cống thoát nước tại khu vực Bàu Cỏ (thuộc khu phố 6, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn). Hậu quả là cứ đến mùa mưa lại gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống khu vực xung quanh.

Sau kỳ họp này, các đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành liên quan đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra việc khắc phục của DN. "Trách nhiệm của người đại biểu không chỉ nói lên tiếng nói của cử tri, mà còn phải giám sát, dõi theo đến cùng việc giải quyết từng kiến nghị, bức xúc", ĐB Vân tâm sự. 

Nguồn Báo Bình Định