Qua các thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, huyện Vĩnh Thạnh đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đinh A Troi, Đội trưởng du kích Đinh Treng, già Đinh Tý… Họ là những tấm gương sáng của núi rừng Vĩnh Thạnh.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Trong 9 năm kháng chiến (1945 - 1954), Pháp chiếm Tây Nguyên, Vĩnh Thạnh - Bình Khê trở thành tiền đồn phía tây nam tỉnh Bình Định, đã lập ra chiến lũy "Tam Bình" nổi tiếng, là hậu cứ vững chắc của lực lượng kháng chiến An Khê - Gia Lai. Cả ngày đêm từ các căn cứ Cửu An, Tú Thủy, đại bác của Pháp bắn xuống Vĩnh Thạnh như mưa, nhưng nhân dân Vĩnh Thạnh vẫn kiên cường dũng cảm, chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, đánh giặc giữ làng và chi viện mọi mặt cho tiền phương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Thạnh ở vào vùng chiến lược đặc biệt - vừa là vùng căn cứ vũ trang cách mạng vừa là vùng giáp ranh cài răng lược giữa ta và địch.
Trong thế "ngày địch, đêm ta", nhân dân Vĩnh Thạnh một lúc làm các nhiệm vụ nuôi nấng, bảo vệ lực lượng cách mạng, đấu tranh bảo vệ xóm làng để không cho địch chiếm đất bắt người, dồn dân lập ấp. Rồi cũng từ những gộp đá suối Đak Ló, từ những gốc cây cổ thụ ở Đak Lá, những cán bộ cách mạng, những chiến sĩ giải phóng, những du kích Bana bám đất bám dân, lặng lẽ nhen nhóm ngọn lửa cách mạng để ngày mùng 6 tháng 2 năm 1959 bùng lên thành cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh lịch sử. Năm 1972, Vĩnh Thạnh được giải phóng hoàn toàn. Năm 1975, nước nhà hoàn toàn thống nhất, Vĩnh Thạnh là một trong những địa phương đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hầu hết thanh niên người Bana đều tham gia làm cách mạng. Người thoát ly vào bộ đội, người ở lại đều là cơ sở cách mạng, hết lòng ủng hộ, giúp đỡ kháng chiến. Với người Bana Vĩnh Thạnh, trong khó khăn, gian khổ, bà con không sờn lòng, vẫn như cái bóng, cái rễ cây kơnia, hướng về miền Bắc, hướng về Đảng, Bác Hồ.
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Sau ngày giải phóng, nhân dân Vĩnh Thạnh bắt tay vào xây dựng quê hương với hành trang là truyền thống cần cù lao động, yêu chuộng hòa bình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ hoang tàn đổ nát, đồng bào Bana ở Vĩnh Thạnh đã đoàn kết nỗ lực xây dựng quê hương.
Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, huyện Vĩnh Thạnh đã thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển KT-XH miền núi gắn với giảm nghèo theo phương châm "Tập trung huy động nguồn lực cho phát triển KT-XH, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH ở khu vực miền núi". Bà con các dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mô hình kinh tế trang trại vườn đồi, chăn nuôi hiệu quả cao xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã miền núi, vùng cao.
Về thăm làng Kon Tơlok (xã Vĩnh Thịnh) trong những ngày này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những đổi thay trong cuộc sống của bà con nơi đây. Sản xuất nông nghiệp của bà con được sự tiếp sức từ các chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ. Chăn nuôi được gia đình ông Đình Văn Minh chọn là hướng thoát nghèo hiệu quả nhất. Với 3 con bò sinh sản, mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 2 đến 3 con bò thịt, cộng với các khoản thu từ cây điều và đậu đỗ các loại, thu nhập hơn 70 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Thư - Già làng Kon Tơlok vui mừng nói: "Ở làng Kon Tơlok, hầu hết các tuyến đường trong làng và đường vào khu sản xuất đã được mở rộng và nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, số hộ khá và hộ giàu nhiều hơn".
Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao từng bước được nâng cao về trình độ và được quan tâm hơn về chế độ, chính sách; đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, nhất là cuộc vận động chung sức xây dựng nông thôn mới. Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chú trọng và phát huy.
Một trong những nội dung trọng tâm mà nhiều năm qua được huyện Vĩnh Thạnh quan tâm đầu tư theo chiều sâu là công tác giáo dục cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay, 100% số xã có trường tiểu học, có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện và 2 trường phổ thông dân tộc bán trú. Các trường chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, phục dựng và bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ông Lê Văn Đẩu - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Với các chính sách của Đảng và Nhà nước, huyện Vĩnh Thạnh đã hỗ trợ trực tiếp các xã, thôn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản vùng đặc biệt khó khăn và vùng sản xuất hàng hóa… Ngoài việc đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tiến bộ xã hội cũng được vận động thực hiện ở đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, nhiều hủ tục lạc hậu trong đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống,… đã dần được xóa bỏ. Các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được giữ gìn và phát huy".
Một góc khu tái định cư xã Vĩnh Thuận, nơi có trên 95% đồng bào Bana sinh sống
Xuân Dũng