CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Thực hiện tốt quy trình giới thiệu người ứng cử
Thứ sáu 26/02/2021 10:29
Ngày 23.2, với 2 Hội nghị: Tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử ÐBQH, đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức) và Hướng dẫn về quy trình giới thiệu người ứng cử ÐBQH khóa XV và đại biểu HÐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức), nhiều nội dung công tác quan trọng chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã được triển khai.

Ba bước giới thiệu người ứng cử

Từ kết quả của Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và văn bản điều chỉnh lần thứ nhất của Thường trực HĐND tỉnh, chiều 23.2, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị hướng dẫn về quy trình giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh. Bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - cùng các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, chủ trì Hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - cùng các Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ chủ trì Hội nghị.

Theo hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, quy trình giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều sẽ triển khai làm 3 bước. Thứ nhất là ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức họp để dự kiến giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ra ứng cử. Thứ hai là tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử. Cuối cùng, trên cơ sở ý kiến nhận xét, tín nhiệm của hội nghị cử tri nơi công tác của người được dự kiến giới thiệu ứng cử, ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức hội nghị ban lãnh đạo mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử.

Trong quá trình tổ chức các hội nghị liên quan đến giới thiệu người ứng cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh yêu cầu các đơn vị chú trọng việc ghi biên bản; nhấn mạnh việc ghi cụ thể các số liệu (có mặt, không có mặt, tán thành, không tán thành), ghi rõ những vấn đề mà cử tri nêu ra về người ứng cử và cơ quan giới thiệu đã làm rõ vấn đề đó đến đâu.

Tại Hội nghị, đại diện một số đơn vị trình bày các thắc mắc liên quan đến phân bổ cơ cấu người ứng cử của đơn vị mình hoặc các quy định về thành phần triệu tập tại hội nghị lấy ý kiến cử tri. Trong đó, có nhiều ý kiến liên quan đến việc đơn vị được phân bổ người ứng cử HĐND tỉnh là người ngoài đảng, tuy nhiên, đơn vị hiện đang có 100% cán bộ là đảng viên; ví dụ như HTXNN Phước Hưng (huyện Tuy Phước), Phòng GD&ĐT huyện Hoài Ân, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cát Minh (huyện Phù Cát)… Hoặc đơn vị đang có người ngoài đảng theo phân bổ nhưng lại không đủ điều kiện ứng cử. Về vấn đề này, chủ trì Hội nghị cho biết sẽ nghiên cứu, có hướng điều chỉnh và thông báo lại cụ thể cho các đơn vị.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ kết luận: "Sau hôm nay, các cơ quan, đơn vị, tổ chức tập trung triển khai 3 hội nghị giới thiệu đại biểu ứng cử để người ứng cử có thời gian hoàn thành hồ sơ theo đúng quy định, thời hạn. Hạn cuối cùng nhận hồ sơ của người ứng cử là 17 giờ ngày 14.3 (70 ngày trước khi bầu cử). Đây là mốc thời gian rất quan trọng để đảm bảo Hội nghị hiệp thương lần thứ hai diễn ra đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, các đơn vị, tổ chức, cơ quan cần liên hệ với Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; tùy vào thẩm quyền, từng đơn vị sẽ có những trao đổi, hướng dẫn kịp thời. Các vấn đề vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo, xin ý kiến đơn vị cấp trên".

Chú trọng kiểm tra, giám sát công tác bầu cử

 

Sáng cùng ngày, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại điểm cầu Bình Định.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nhấn mạnh: "Trong công tác bầu cử, MTTQ có 5 trách nhiệm quan trọng. Đó là tổ chức các hội nghị hiệp thương; tham gia hoạt động của ủy ban bầu cử; tổ chức hội nghị cử tri; tuyên truyền, vận động nhân dân bầu cử; kiểm tra, giám sát. Trong đó, kiểm tra, giám sát góp phần quan trọng cho cuộc bầu cử được tổ chức dân chủ, an toàn, tiết kiệm, đúng luật và thật sự là ngày hội của nhân dân".

Tại chuyên đề "Công tác kiểm tra, giám sát bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp", ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Trung ương MTTQ Việt Nam, yêu cầu MTTQ các cấp nắm rõ các nội dung tài liệu phục vụ cho kiểm tra, giám sát và 16 mốc thời gian quan trọng về bầu cử.

 

Ông Vượng nói: "Kiểm tra của MTTQ Việt Nam đối với công tác bầu cử là việc ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam trực tiếp kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tham gia công tác bầu cử đối với ủy ban MTTQ cấp dưới. Còn giám sát công tác bầu cử là việc ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội xem xét, theo dõi, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tổ chức bầu cử. Như vậy, nội dung kiểm tra là về việc thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác bầu cử. Nội dung giám sát là về việc thực hiện các quy định pháp luật về bầu cử của các tổ chức phụ trách bầu cử, của thường trực HĐND, UBND và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan". 

Theo đó, có 8 nội dung kiểm tra, giám sát chính. Đó là: Giám sát việc thành lập và hoạt động của hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; kiểm tra, giám sát việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND và việc lập hồ sơ ứng cử của người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử; kiểm tra, giám sát tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri; giám sát việc lập, niêm yết danh sách những người ứng cử; kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giám sát trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu; kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử.

Mỗi nội dung kiểm tra, giám sát gắn với mốc thời gian cụ thể nhưng được chia làm 3 đợt chính. Đợt 1 từ ngày 20.2 đến ngày 13.4. Đợt 2 từ ngày 14.4 đến 22.5. Đợt 3 là trong ngày tổ chức bầu cử 23.5. 

Bài, ảnh: NGUYỄN MUỘI - Nguồn Báo Bình Định