Ngày 26.7.1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Luật Tổ chức Viện KSND, đánh dấu sự ra đời của ngành KSND Việt Nam. Tại Bình Định, ngày 30.10.1975, ngành KSND tỉnh được thành lập. Từ 9 cán bộ đầu tiên, đến nay, ngành đã có 10 đơn vị trực thuộc và 11 viện KSND cấp huyện với 193 cán bộ, kiểm sát viên.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Viện KSND tỉnh.
Qua 45 năm hình thành và phát triển, ngành KSND tỉnh đã cùng với các ngành chức năng ở địa phương góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ pháp chế, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm mọi hành vi xâm phạm lợi ích của nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.
Nhiều kết quả nổi bật
Một trong những thành tích nổi bật của ngành KSND tỉnh thời gian qua là đẩy nhanh tiến độ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm. Không có trường hợp nào bị viện KSND 2 cấp truy tố mà TAND tuyên không phạm tội; tỷ lệ giải quyết án của viện KSND đạt từ 99% trở lên; số bị can viện KSND truy tố đúng tội danh đạt 100%; số vụ viện kiểm sát trực tiếp hỏi cung bị can trên 85%. Chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hình sự đạt trên 90%, vượt 5 - 10%; số phiên tòa được tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tuyến ngày càng tăng.
Có được kết quả này là do ngành KSND tỉnh đã phối hợp tốt với các cơ quan làm án, đồng thời kiểm tra chặt chẽ hoạt động của cấp dưới, tháo gỡ từng việc một. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang cho biết: "Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện luôn quán triệt chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, gắn công tố với hoạt động điều tra để chống oan, sai, lọt tội. Thường xuyên kiểm tra tiến độ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và ban hành yêu cầu kiểm tra xác minh, hỏi cung bị can trước khi phê chuẩn quyết định khởi tố bị can là yêu cầu bắt buộc của từng đơn vị".
Viện KSND 2 cấp chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho kiểm sát viên thông qua những buổi sinh hoạt nghiệp vụ.
Cũng nhờ yêu cầu này mà Viện KSND TP Quy Nhơn, dù mỗi năm phải giải quyết khá nhiều, khoảng 250 án hình sự và hơn 1.000 án dân sự, hành chính, nhưng tỷ lệ các loại án được giải quyết luôn đạt 99%. Phó Viện trưởng phụ trách Viện KSND TP Quy Nhơn Phạm Hoàng Thu Thủy chia sẻ: "Bình quân mỗi kiểm sát viên xử lý khoảng 30 vụ/năm. Nhưng nhờ phân công các loại án phù hợp, kịp thời hướng dẫn, rút kinh nghiệm từng vụ việc cụ thể và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng kiểm sát viên trong việc bám sát, xử lý án nên mọi vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý án đều được giải quyết ngay".
Còn ông Đỗ Văn Quý, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về an ninh, ma túy, kinh tế, tham nhũng và chức vụ, Viện KSND tỉnh, cho rằng: "Tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ chiếm đoạt tài sản diễn ra ở nhiều lĩnh vực, địa phương và nhiều cấp khác nhau, làm tổn thất kinh tế và mất lòng tin của nhân dân. Do đó, chúng tôi chú trọng làm rõ đến đâu xử lý đến đó và chỉ cần có tội thì sẽ bị truy tố, xét xử dù đó là ai. Nhờ vậy, đã kịp thu hồi hàng trăm tỷ đồng về cho Nhà nước và đề xuất những mức án phù hợp cho đối tượng phạm tội".
Tiếp tục phát huy
Với phương châm làm tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội, ngành KSND chủ động đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đó là lựa chọn những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để khắc phục, tăng cường quản lý, chỉ đạo, điều hành và theo dõi giải quyết án. Tăng cường công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và nâng cao kỹ năng cho cán bộ, kiểm sát viên thông qua các cuộc thi và tập huấn nghiệp vụ dưới nhiều hình thức. Khắc phục án hình sự, dân sự, hành chính bị hủy để giải quyết lại có liên quan đến trách nhiệm của kiểm sát viên...
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát cơ sở và phối hợp với các ngành chức năng kịp thời tháo gỡ những vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc trong công tác giải quyết án. Với trách nhiệm ngày càng nặng nề, mỗi cán bộ, kiểm sát viên sẽ không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ trật tự an toàn xã hội tại địa phương, nâng cao ý thức pháp luật công dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế XHCN".
Không chỉ chú trọng công tác chuyên môn, ngành KSND tỉnh còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào do ngành và địa phương phát động. Cụ thể, toàn ngành đã tham gia xây dựng 15 nhà tình nghĩa, giúp đỡ 2 xã về đích trong xây dựng nông thôn mới, kết nghĩa giúp đỡ 1 làng dân tộc thiểu số; vận động quyên góp hàng trăm triệu đồng hỗ trợ gia đình một số cán bộ trong ngành gặp khó khăn trong cuộc sống.
Với những kết quả đạt được, ngành KSND tỉnh đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của ngành KSND, Cờ thi đua của UBND tỉnh và nhiều phần thưởng cao quý khác…
Nguồn: Báo Bình Định