CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Chỉ số cải cách hành chính năm 2020: Cần nhiều nỗ lực để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân
Thứ tư 26/05/2021 15:25
Chỉ số Cải cách hành chính năm 2020 ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực ở cả 3 khối: Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Ngày 20.5.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã ký Quyết định số 2028/QĐ-UBND phê duyệt Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Giá trị trung bình đều tăng

Theo kết quả đã phê duyệt, đối với khối cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, giá trị trung bình Chỉ số CCHC 2020 đạt 92%, cao hơn 6,10% so với năm 2019. BHXH tỉnh tiếp tục duy trì kết quả dẫn đầu bảng xếp hạng với chỉ số đạt 93,1%, Kho bạc Nhà nước tỉnh xếp cuối bảng xếp hạng với 90,73%. Cả 5/5 đơn vị đều có Chỉ số CCHC năm 2020 cao hơn năm 2019.

Huyện An Lão đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC của khối các huyện, thị xã, thành phố.

- Trong ảnh: Tiếp nhận TTHC ở bộ phận Một cửa xã An Tân, huyện An Lão (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021)

Đối với khối các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, giá trị trung bình đạt 86,65%, cao hơn 5,72% so với năm 2019. Sở Tài chính là đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng đạt 95,97%, Sở KH&ĐT đứng cuối bảng xếp hạng với 81,06%. 20/21 đơn vị có Chỉ số CCHC năm 2020 cao hơn năm 2019; đơn vị duy nhất giảm điểm là Văn phòng UBND tỉnh (giảm 0,58%).

Đối với khối UBND các huyện, thị xã, thành phố, giá trị trung bình đạt 76,52%, cao hơn 7,89% so với năm 2019. An Lão vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng, đạt 83,35%, Vân Canh có chỉ số thấp nhất với 69,4%. Cả 11/11 đơn vị đều có Chỉ số CCHC năm 2020 cao hơn năm 2019.

Đáng chú ý, trong hai năm trở lại đây, đặc biệt trong năm 2020, các địa phương thuộc vùng miền núi, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn đã có sự cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ CCHC tại địa phương, nhất là trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Từ đó, đem lại sự chuyển biến tích cực trong kết quả thực hiện CCHC, vươn lên nằm trong nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC của khối UBND cấp huyện. Cụ thể, huyện An Lão năm 2019 xếp hạng 3, năm 2020 xếp hạng 1. Huyện Hoài Ân năm 2019 xếp hạng 4, năm 2020 xếp hạng 2. Huyện Vĩnh Thạnh năm 2019 xếp hạng 9, năm 2020 xếp hạng 4.

"Nỗ lực của toàn huyện An Lão đã được ghi nhận với vị trí đứng đầu bảng xếp hạng. Để giữ được thứ hạng này, chúng tôi xác định nhiệm vụ công tác CCHC thời gian tới vẫn rất nặng nề", Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện An Lão Lê Thị Thu Hằng chia sẻ.

Trong khi đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, vị trí thứ 8 là thứ hạng cao nhất của huyện Vân Canh (trong đó có 3 năm xếp vị trí cuối bảng). Tuy Phước là đơn vị dẫn đầu trong năm 2016, sau đó tụt hạng dần qua các năm và thuộc nhóm cuối bảng trong năm 2020. An Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và Tây Sơn luôn giữ các vị trí thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng và hầu như không có sự cải thiện vị trí trong suốt giai đoạn 2016 - 2020.

Cần nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ

Một trong những thông số đáng chú ý là chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt giá trị trung bình 72,06%, cao hơn kết quả khảo sát của năm 2019 (64,56%). Trong 5 nội dung được lựa chọn để đánh giá, chỉ có nội dung Tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị (đạt 83,07%) là đạt trên 80%. Tiếp theo là nội dung Kết quả giải quyết công việc (78,11%), Tiếp cận dịch vụ (72,64%), Sự phục vụ của công chức, viên chức (64,16%) và cuối cùng là TTHC (62,32%).

Tương tự, kết quả đo lường sự hài lòng đối với 17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, giá trị trung bình đạt 78,84%, cao hơn kết quả khảo sát của năm 2019 (74,27%). Có 3/5 nội dung đạt chỉ số hài lòng trên 80% gồm: Kết quả giải quyết công việc (85,8%), Tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị (85,66%), Tiếp cận dịch vụ (80,27%). Nội dung Sự phục vụ của công chức, viên chức đạt 72,2% và thấp nhất là TTHC chỉ ở mức 70,28%.

Rõ ràng, nhu cầu của tổ chức, người dân ngày càng cao nên các đơn vị phải có nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, nhất là mở rộng các hình thức tiếp cận thông tin TTHC, đơn giản hóa TTHC, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Với khối UBND cấp huyện, vấn đề đáng lưu ý là chỉ số trung bình nội dung Công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC chỉ đạt 68,94%, khá thấp so với khối các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và khối các cơ quan Trung ương. Kết quả này cho thấy, công tác CCHC ở một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu; thể hiện cụ thể qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch CCHC hằng năm khá chung chung, không sát với đặc điểm tình hình của địa phương và mục tiêu CCHC của tỉnh, công tác tuyên truyền về CCHC còn đơn điệu, không có sáng kiến trong CCHC; chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao...

Nguồn Báo Bình Định