Mít tinh chào mừng giải phóng toàn tỉnh tại Quảng trường Trung tâm TX Quy Nhơn. Ảnh Tư liệu
Ngày 24.3.1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định họp, quyết định ban hành mệnh lệnh "Tổng tiến công, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh"; trong đó nhấn mạnh: "Dồn hết lực lượng địa phương và du kích xã thôn tổng tiến công vào tất cả đồn bót địch, mà trọng điểm chủ yếu là chi khu, quận lỵ, bắt sống, tước vũ khí, không để một tên chạy thoát".
Từ mệnh lệnh ấy, quân và dân khắp nơi trong tỉnh đồng loạt đứng dậy, đồng tâm, hiệp sức đánh lui kẻ thù, giành lại từng tấc đất quê hương. Và, tin chiến thắng dồn dập báo về. Quận lỵ Bồng Sơn được giải phóng lúc 10 giờ ngày 28.3. 8 giờ ngày 31.3, quận lỵ Phù Mỹ được giải phóng; 1 giờ sau, đến lượt quận lỵ Phù Cát về tay nhân dân; 1 giờ nữa, thêm quận lỵ Bình Khê được giải phóng. 12 giờ cùng ngày, ta làm chủ hoàn toàn quận lỵ An Nhơn; nửa tiếng sau, quân dân địa phương giải phóng Tuy Phước, làm bàn đạp cho bộ đội chủ lực tiến vào chiến trường Quy Nhơn.
Đến 24 giờ ngày 31.3, toàn bộ các đồn chốt, căn cứ, cơ quan địch ở nội thị và ngoại vi Quy Nhơn đều bị đánh chiếm. Sáng hôm sau, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh cột cờ trước Tòa Hành chính ngụy quyền được ta lấy làm trụ sở Ủy ban quân quản. Cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng bay rợp phố phường và các công sở, xí nghiệp. Hàng nghìn người dân đổ ra các đường phố, hân hoan đón mừng đoàn quân giải phóng.
46 năm sau ngày giải phóng, TP Quy Nhơn - Bình Định ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định diễn ra trong thời gian ngắn nhưng lại giành thắng lợi trọn vẹn, chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố tại chỗ. Khi chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, Đảng bộ tỉnh đã nắm bắt chính xác thời cơ lớn: Chế độ Sài Gòn đứng trước sự sụp đổ hoàn toàn, lực lượng địch tại địa phương lo sợ, hoang mang đến cực độ và đứng trước nguy cơ tan rã. Từ đó, kịp thời phát động quân dân toàn tỉnh nhất tề xông lên, huy động lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị tại chỗ mở cuộc tiến công và nổi dậy đánh sụp toàn bộ ngụy quyền, ngụy quân địa phương, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.
Trưởng khoa Xây dựng Đảng (Trường Chính trị tỉnh) Lê Văn Minh cho rằng, trong giai đoạn 1965 - 1975, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương "nóng hổi", sát đúng với diễn biến chiến trường và thực tiễn lực lượng của ta. Đặc biệt, khi thời cơ tới, Đảng bộ tỉnh đã đề ra phương châm "Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh".
"Phương châm này đã góp phần quan trọng huy động sức mạnh của các địa phương trong tỉnh; đồng thời, phát huy tinh thần chủ động của từng xã, từng huyện để chớp thời cơ giành thắng lợi, tạo ưu thế lớn cho quân ta ở chiến trường Quy Nhơn, tiến tới giải phóng toàn tỉnh", Th.S Lê Văn Minh nhận định.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1954 - 1975), cuộc tiến công, nổi dậy mãnh liệt của quân dân Bình Định đã phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng với quân dân các tỉnh khu 5 trong chiến dịch giải phóng Trung Trung bộ, góp phần đưa "cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở cuộc tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi" (nhận định của Bộ Chính trị ngày 31.3.1975).
Nguồn Báo Bình Định