CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
BÌNH ĐỊNH TRONG HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA NGUYỄN TẤT THÀNH
Thứ hai 31/05/2021 10:21
Trong không khí cả nước kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021), mỗi người dân Bình Định đều dâng trào tình cảm tưởng nhớ đến Người và tự hào kỷ niệm 112 năm Người đến Bình Định (1909 - 2021).

Năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế, thời gian đầu học trường Pháp - Việt, sau học trường Quốc học Huế. Khoảng trung tuần tháng 5/1909, Nguyễn Tất Thành vào Bình Định và khoảng tháng 8/1910 rời Bình Định vào Phan Thiết (Bình Thuận) làm giáo viên trường Dục Thanh. Đến tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn. Như vậy, Nguyễn Tất Thành trên hành trình tìm đường cứu nước đã có hơn một năm sống tại Bình Định để chuẩn bị hành trang trước khi xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại trung tâm thành phố Quy Nhơn

Đảng bộ, quân và dân Bình Định luôn tự hào là một trong số ít địa phương của cả nước gắn bó với thân thế, sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh; tự hào vì quê hương, con người và truyền thống yêu nước của Bình Định đã góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí ra đi tìm đường cứu nước của Người. Di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh được hun đúc từ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, trong đó có đóng góp bởi mảnh đất giàu truyền thống văn hóa Bình Định.

Thời gian ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành được cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc (sau này làm Tri huyện Bình Khê) gửi đến sống và học tiếng Pháp tại nhà một người bạn là thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (lúc đó là trợ giáo của trường Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn). Đồng thời, cũng trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành có lần lên huyện Bình Khê thăm cha, được nghe kể về những tấm gương yêu nước, kiên trung đi đầu trong phong trào đấu tranh chống thuế Trung Kỳ như tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, Chánh tổng Nguyễn Hàm… những người đã bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Côn Đảo.

Trong những ngày tháng được sống gần cha ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành còn được học hỏi nhiều điều ở chính người cha của mình - cụ Nguyễn Sinh Sắc, một Tri huyện nổi tiếng thanh liêm chính trực, sống rất giản dị, gần gũi với nhân dân, giàu lòng yêu nước và thương dân nghèo. Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến tất cả sự nhiễu nhương, thối nát của chế độ phong kiến thực dân, điều đó càng thôi thúc Nguyễn Tất Thành phải mạnh mẽ, nhanh chóng đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Tuy thời gian sinh sống và học tập tại Bình Định không dài, nhưng Người rất yêu mến về vùng đất và con người Bình Định. Sau này, trong nhiều bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến tấm gương của vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và đoàn quân áo vải bách chiến bách thắng của ông. Bốn mươi lăm năm sau lần chia tay cha ở Bình Định, năm 1955, khi gặp đoàn đại biểu miền Nam tại Hà Nội, biết có người quê ở Bình Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi: "Nhà các cô, các chú có gần sông Côn không? Nước sông Côn vẫn trong đấy chứ?...". Rõ ràng truyền thống hào hùng của vùng đất Tây Sơn - Bình Định, hình ảnh của sông Côn và những tình cảm ấm áp của nhân dân Bình Định đã in dấu sâu đậm trong tâm trí của Người.

Mặc dù Người ở Bình Định chỉ hơn một năm nhưng vùng đất và con người Bình Định đã ghi dấu ấn quan trọng, góp phần hình thành tư tưởng, ý chí ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Sống trên quê hương của đoàn quân áo vải Tây Sơn, bầu nhiệt huyết của Người được tiếp sức, được hun đúc bởi tinh thần anh dũng quật cường của Quang Trung - Nguyễn Huệ,… Tất cả đã thôi thúc, động viên Nguyễn Tất Thành tiếp tục nuôi chí lớn - ra đi tìm đường cứu nước.

Cứ mỗi dịp Tháng 5 về, lòng chúng ta lại bâng khuâng nhớ về Người, nhân dân khắp cả nước tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Người. Riêng đối với nhân dân Bình Định, tình cảm và niềm tự hào về những tháng ngày Bác ở Bình Định luôn là nguồn động viên, là sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ, quân và dân Bình Định ra sức thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

                                                                                                     Ngọc Hiền