Quang cảnh Hội nghị.
Luật BVMT năm 2014 do Quốc hội ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2015, nhưng sau gần 5 năm thi hành, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật BVMT sửa đổi (gọi tắt là dự thảo Luật) gồm 16 chương, 179 điều, quy định về BVMT nước, môi trường không khí, môi trường đất; quản lý di sản thiên nhiên; chiến lược BVMT quốc gia, quy hoạch BVMT; đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường; BVMT trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị và nông thôn, các lĩnh vực khác; quản lý chất thải và kiểm soát các chất ô nhiễm khác; trách nhiệm quản lý Nhà nước về BVMT… với nhiều điểm mới so với Luật BVMT năm 2014.
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật; đồng thời, đóng góp một số ý kiến liên quan đến những nội dung quan trọng, như: Bổ sung kết hợp đối tượng đánh giá tác động môi trường sơ bộ vừa theo quy mô tính chất dự án, vừa đảm bảo tiêu chí về môi trường; thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; nên quy định chỉ ban hành một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đề nghị không quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong dự thảo Luật này vì đã được quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; bổ sung quy định cụ thể hơn các chính sách BVMT, nhất là môi trường tại khu vực nông thôn, làng nghề truyền thống; cân nhắc quy định cụm công nghiệp phải có hệ thống quan trắc môi trường tự động…
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tổng hợp trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 10 sắp tới.
NGỌC NHUẬN - Nguồn Báo Bình Định