Quang cảnh cuộc họp.
Báo cáo của lãnh đạo Sở KH&ĐT tại cuộc họp cho biết, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển KT-XH của tỉnh. Đến thời điểm này, nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa dịch, nên trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh đã và đang tác động đáng kể đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, vận tải, du lịch…
Đáng chú ý là nguồn cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhiều ngành hàng tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu bị thu hẹp. Do vậy đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với nhiều DN, nhất là các DN sản xuất gia công hàng may mặc, da giày, chế biến tôm đông lạnh, lắp ráp thiết bị… Dẫn đến tình trạng sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm so với kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 11.301 tỷ đồng, tăng 7,56% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,62%).
Do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ, tài chính trên địa bản tỉnh kém sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I ước đạt trên 17.738 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Thống kê theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 14.780 tỷ đồng, tăng 1,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.987 tỷ đồng, giảm 6,6%...
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành chức năng tập trung thảo luận, đề xuất biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho hoạt động phát triển KT-XH; kịp thời hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, yêu cầu các sở ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tập trung quyết liệt các giải pháp vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa xây dựng các kịch bản để phục hồi phát triển KT-XH trong thời gian đến. Yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh nắm chắc tình hình khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các DN, kịp thời triển khai các gói hỗ trợ theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, chủ động nghiên cứu xây dựng các gói kích cầu tiêu dùng, đảm bảo cho các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch hồi phục, phát triển ngay khi hết dịch Covid-19. Để kịp thời hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, các sở, ngành cần tập trung bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh, cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, khoanh, giãn thuế…
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài Chính phối hợp với Sở LĐ-TB&XH rà soát, đề xuất các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, tập trung ưu tiên hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Lưu ý, việc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
NGUYỄN HÂN - Nguồn Báo Bình Định