Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam rất chú ý đến công tác dân vận - nhiệm vụ góp phần quan trọng vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Người có nhiều bài viết, lời nói, và tự mình là tấm gương mẫu mực trong thực hiện công tác dân vận. Bài báo "Dân vận" được Bác viết năm 1949, trong đó đề cập các vấn đề cơ bản của công tác dân vận.
Báo Bình Định, Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn trao quà cho bà con thôn 7, xã An Vinh, huyện An Lão - địa phương kết nghĩa. Ảnh: MAI LÂM
Về khái niệm dân vận, Bác chỉ rõ: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho".
Người khẳng định sức mạnh của quần chúng nhân dân - sức mạnh to lớn khi đã được phát huy, khi đã được tập hợp vào tổ chức. Đây chính là chiều sâu của công tác dân vận. Người chỉ ra rằng phải tập hợp đông đảo người dân, không bỏ sót một người dân nào cả - đây chính là bề rộng của công tác dân vận. Và theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người dân là một phần của dân tộc Việt Nam, những ai yêu nước đều là con dân Việt Nam. Hồ Chí Minh lấy yêu nước làm điểm tương đồng, để gắn kết, tập hợp nhân dân.
Từ đó Bác chỉ ra phương thức vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân: "Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng".
Một nội dung rất quan trọng được Bác nêu ra đó là phong cách làm việc trong công tác dân vận là dân chủ, tôn trọng nhân dân. Người yêu cầu: "Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc".
Cuối bài báo, Người khẳng định chân lý: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".
Bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc về công tác dân vận của Đảng ta trong thời kỳ hiện nay.
Thứ nhất, gắn công tác dân vận với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, cụ thể là gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Thứ hai, công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, do đó phải không ngừng phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng với tư cách là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, của dân tộc. Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải luôn đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, phương thức hoạt động đối với công tác dân vận.
Thứ ba, không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có tác phong, phương pháp và nghiệp vụ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trên tinh thần "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm".
Đọc, suy ngẫm về bài báo "Dân vận" là cách để mỗi cán bộ, đảng viên quán triệt, hành động theo luận điểm mà Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh".
NGUYỄN TÙNG LÂM - Nguồn Báo Bình Định