Diện mạo trung tâm huyện Vĩnh Thạnh hôm nay.
Để giảm nghèo bền vững, huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, phát triển sản xuất, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cấp thẻ bảo hiểm y tế, giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, tuy gặp nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết và những khó khăn cạnh tranh gay gắt của thị trường nhưng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện Vĩnh Thạnh vẫn đạt 14,5%, trong đó, nông - lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,9%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 29,7%; dịch vụ tăng 19,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Năm 2019, cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 48,25%; công nghiệp - xây dựng chiếm 9,31%; dịch vụ chiếm 42,44%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 37,99%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27 triệu đồng.
UBND huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung "Đào tạo nghề, giúp vốn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động… khuyến khích người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo chủ động, tích cực vươn lên tham gia thực hiện các giải pháp, các dự án phục vụ, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, phục vụ an sinh xã hội như xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông, nước sạch, các công trình văn hóa xã hội... Đồng thời, tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng các xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn".
Sự thay đổi diện mạo của làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo, từ những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những con đường hoa khoe sắc tươi thắm, đung đưa trong gió, được bà con trồng và chăm sóc... đã tạo nên cảnh quang tươi mát của một ngôi làng vùng cao; giúp cho ai đó một thời xa quê, nay trở lại dễ dàng nhận ra những đổi thay trong đời sống của đồng bào Bana ở đây. Những điểm trường học được đầu tư xây dựng ngay trong làng, tạo thuận lợi cho con em học tập. Ông Đinh Rớ dân của làng Tà Điệk phấn khởi: "Mấy năm qua, Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ thông qua rất nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất như chương trình 30a, chương trình 134, chương trình 135... giúp bà con chúng tôi có cây - con giống để sản xuất. Giao thông được bê tông đến sát chân khu sản xuất, con em có trường để học, người già đau ốm được khám chữa bệnh tại trạm y tế...".
Ngược lên xã vùng cao Vĩnh Sơn, có thể thấy, những vùng đất hoang hóa trước đây giờ đã xanh bát ngát cây mì, lúa, rau màu và các loại cây nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp chế biến. Bà con ở đây đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Gia đình chị Đinh Thị Luận ở làng Kon Blo, xã Vĩnh Sơn - một trong những hộ vừa thoát nghèo; với hơn 5 sào đất của cha mẹ cho khi mới lập gia đình, chị Luận trồng keo nhưng do chu kỳ khai thác khá dài nên những năm đầu ra ở riêng, vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn; nhưng với quyết tâm thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại, vợ chồng chị đã khai hoang - vỡ hóa, vừa chăm rừng đã trồng, vừa trồng các loại cây ngắn ngày, cho thu hoạch hàng năm như mì, đót... Từ hộ nghèo, đến nay vợ chồng chị Luận đã phát triển quỹ đất của gia đình lên 2 ha, thu nhập từ cây mì, bời lời và đót, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng, chưa kể nguồn thu của gần 1 ha keo, 5 năm khai thác một lần. Chị Luận chia sẻ: "Nhà nước cho giống mới, chỉ cho cách làm nên nhờ vậy vợ chồng tôi đã thoát được hộ nghèo. Giờ có tiền, mình lại tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, làm lại nhà mới và nuôi con ăn học".
Ơn Đảng, nhờ Nhà nước, một huyện vùng cao đã thay da đổi thịt từng ngày; đồng bào ở đây không còn lo những lúc đói giáp hạt, rách và lạnh khi trời chuyển mùa, ốm đau không có thuốc và buồn tủi trong những ngày lễ trọng, ngày tết đến, xuân về nơi vùng cao của đất nước!
Xuân Dũng