CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh (01.12.1920 - 01.12.2020): NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG - NGƯỜI CHỈ HUY QUÂN SỰ TÀI BA
Thứ hai 30/11/2020 13:44
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với bao khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân; đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Từ người chiến sỹ cộng sản kiên cường

Đồng chí Lê Đức Anh sinh ngày 01.12.1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, người dân mất nước sống cơ cực dưới chế độ thực dân, phong kiến, đồng chí Lê Đức Anh luôn hun đúc lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng.

Năm 16 tuổi, đồng chí Lê Đức Anh được giác ngộ và năm 17 tuổi chính thức tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, bắt đầu từ việc đọc sách, báo, tuyên truyền cho dân chúng, tham gia đấu tranh đòi giảm sưu thuế hà khắc của thực dân, phong kiến, đòi tự do, dân chủ ở làng quê. Năm 18 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Tháng 10.1939, thực dân Pháp khủng bố ở Thừa Thiên, hầu hết các đảng viên huyện Phú Vang bị bắt, đồng chí Lê Đức Anh bí mật rời quê hương lên Đà Lạt hoạt động và sớm tìm đến với tổ chức cách mạng. Đầu năm 1942, đồng chí xuống đồn điền cao su Lộc Ninh, tiếp tục làm thuê kiếm sống. Tại đây, đồng chí đã tìm cách bắt liên lạc với tổ chức và tiến hành giác ngộ, vận động, gây dựng và phát triển phong trào của phu cao su. Khi phong trào phát triển nhanh và vững ở đồn điền cao su Lộc Ninh, đồng chí đã gây dựng phong trào phát triển rộng đến các đồn điền lân cận, như: Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch. Đồng chí đã trực tiếp giác ngộ hàng trăm phu cao su Lộc Ninh, tuyển chọn và kết nạp được bốn người, thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên do đồng chí làm Bí thư Chi bộ. Theo chỉ thị của Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, Chi bộ Lộc Ninh khẩn trương gây dựng, phát triển lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong công nhân và nhân dân vùng Hớn Quản. Ngày 23.8.1945, đồng chí Lê Đức Anh đã lãnh đạo công nhân cao su và đồng bào dân tộc ở Hớn Quản và Bù Đốp khởi nghĩa thành công, sau đó kéo quân về hợp điểm giành chính quyền ở tỉnh lỵ đêm 24 rạng sáng 25.8.1945.

* Đến người chỉ huy quân sự tài

Cuối năm 1948, đồng chí Lê Đức Anh về làm Tham mưu trưởng Khu 7 - một địa bàn trọng điểm, nơi diễn ra những trận đánh quyết liệt giữa quân và dân ta với quân đội Pháp và tay sai. Từ đây, đồng chí chuyển từ một cán bộ chính trị sang làm cán bộ quân sự, chuyên lo xây dựng lực lượng, tổ chức chiến dịch, xây dựng và phát triển chiến thuật cho bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Cơ quan Tham mưu, lực lượng vũ trang Khu 7 đã tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.

Cuối năm 1952 đầu năm 1953, đồng chí Lê Đức Anh vinh dự cùng đồng chí Lê Duẩn ra chiến khu Việt Bắc để báo cáo với Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh về kinh nghiệm chiến đấu. Nghe đồng chí Lê Đức Anh báo cáo, Bác Hồ rất vui, khen ngợi bộ đội và nhân dân Nam bộ đánh giặc giỏi. Sau khi tham dự lớp học chính trị do Trung ương tổ chức tại chiến khu Việt Bắc, đồng chí lên đường trở về miền Nam tiếp tục chiến đấu.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Lê Đức Anh công tác ở Bộ Tổng Tham mưu. Đây là thời gian đồng chí được tìm hiểu, học hỏi về các ngành, các công việc của công tác tham mưu chiến lược, nâng cao hiểu biết thực tế và phương pháp luận khoa học khi tiến hành công tác tham mưu quân sự; đồng thời tiếp tục được bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị.

Cuối tháng 12.1963, đồng chí Lê Đức Anh bí mật lên đường vào chiến trường miền Nam trên con tàu "Không số". Những ngày đầu trở lại chiến trường miền Nam, với cương vị Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí đã có nhiều đề xuất quan trọng và trực tiếp soạn thảo, triển khai kế hoạch xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang. Đồng thời, đồng chí cùng với Cơ quan Tham mưu tích cực tiến hành công tác chuẩn bị cho chiến dịch tiến công Bình Giã. Trong hơn một tháng chiến đấu tiến công, từ đêm ngày 2.12.1964 đến ngày 3.1.1965, chiến dịch Bình Giã đã giành thắng lợi to lớn, mục tiêu cơ bản của chiến dịch đề ra đều thực hiện được.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đồng chí Lê Đức Anh chỉ huy bộ đội ở hướng Tây Sài Gòn, từ Long An đánh vào Tổng nha Cảnh sát và Cảnh sát Đô thành. Quá trình diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, trên cơ sở phân tích, đánh giá thấu đáo tình hình, đồng chí đã có những đề xuất quan trọng về chuyển hướng tiến công. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã có ý nghĩa quan trọng, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ", buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm Phó Tư lệnh Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Với tài thao lược và kinh nghiệm trận mạc được tích lũy, đồng chí Lê Đức Anh đã tổ chức lực lượng, xác định các hướng, mũi tiến công, giao nhiệm vụ, hiệp đồng cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận; chỉ huy cánh quân đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc.

Khi tập đoàn phản động Pôn Pốt gây chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới Tây Nam, đồng chí Lê Đức Anh làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam. Đồng chí tích cực chỉ đạo Quân khu 7 giúp Campuchia xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ngay trên địa bàn Quân khu. Đồng chí chỉ đạo các đơn vị Quân tình nguyện cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đánh bại các cuộc phản kích và truy quét, làm tan rã một bộ phận lớn tàn quân Pôn Pốt, giữ vững thành quả cách mạng; đồng thời giúp bạn xây dựng công trình phòng thủ biên giới dài 800 km.

Ngày 7.12.1986, đồng chí Lê Đức Anh giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến ngày 16.2.1987, đồng chí Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngay sau khi nhận chức, đồng chí đã có những đề xuất xác đáng với Bộ Chính trị về giải quyết vấn đề biên giới, và từ vấn đề biên giới để định ra chiến lược và sách lược của công tác đối ngoại.

Đồng chí Lê Đức Anh đặc biệt quan tâm và có tầm nhìn chiến lược về phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngày 7.5.1988, phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống Quân chủng Hải quân (7.5.1955 - 7.5.1988) được tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn, đồng chí nhấn mạnh: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta"".

Đồng chí Lê Đức Anh đã đề xuất với Đảng, Nhà nước và trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng về quân sự, quốc phòng như: Thực hiện giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng trong tình hình nền kinh tế bị khủng hoảng; tiến hành các chính sách cụ thể để cải thiện đời sống bộ đội, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội; chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong tình hình mới... 

                                                                               Quy Thành