CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Báo chí cách mạng Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Thứ hai 21/06/2021 10:02
Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Trải qua 96 năm (21/6/1925 - 21/6/2021) ra đời và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện rõ vai trò tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vai trò, tầm quan trọng của báo chí cách mạng càng thể hiện đậm nét trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 21/6/1925, báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Người sáng lập đã ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Tiếp đó, một số tờ báo của các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, như: Báo Búa liềm, Báo Lao động, Tạp chí Công hội đỏ... lần lượt ra đời. Báo chí trong giai đoạn này đóng vai trò quan trọng trong việc phát động phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân đấu tranh chống thực dân, phong kiến, mà đỉnh cao là cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931).

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo và nhân viên phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960). Ảnh tư liệu

Giai đoạn 1936 - 1939, cao trào dân chủ phát triển mạnh mẽ, tình hình quốc tế có những chuyển biến nhanh chóng, tích cực, Mặt trận nhân dân chống phát xít được hình thành ở nhiều nước. Tại nước ta, báo chí thời kỳ này phục vụ rất tích cực cho việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng, góp phần to lớn cho phong trào cách mạng Việt Nam phát triển lên một giai đoạn mới. Đầu năm 1941, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Minh, đồng thời sáng lập ra báo Việt Nam độc lập, một số tờ báo khác cũng lần lượt ra đời và có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bước vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, báo chí đã bám sát thực tiễn, phục vụ kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền với hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của báo chí cách mạng càng nặng nề hơn, đó là vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tuyên truyền cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), báo chí ở nước ta đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước; nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả. Trong công cuộc đổi mới, báo chí đã góp phần to lớn vào việc thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. 

Có thể nói, báo chí cách mạng Việt Nam là sản phẩm tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của Đảng và nhân dân ta. Báo chí cách mạng là đội quân đi đầu trong công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, với chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân đứng lên làm cách mạng vì độc lập, tự do, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Báo chí Việt Nam chính là vũ khí cách mạng sắc bén của Đảng, của chế độ trong công tác tuyên truyền, giáo dục toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta giành những thắng lợi to lớn. Đội ngũ những người làm báo luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới".

                                                                                             Ngọc Hiền