CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021): HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỨU DÂN CỦA NGUYỄN TẤT THÀNH
Thứ tư 02/06/2021 14:38
Nguyễn Tất Thành được sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh anh dũng, bất khuất để giành độc lập cho dân tộc đều lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của nhân dân ta lâm vào khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, Nguyễn Tất Thành sớm hun đúc hoài bão cứu nước cứu dân.

Từ lúc sinh ra đến 5 tuổi, Nguyễn Sinh Cung sống trong sự chăm sóc đầy tình thương yêu của gia đình, đặc biệt là ông bà ngoại. Năm 1895, Nguyễn Sinh Cung theo gia đình vào sống ở Huế. Đầu năm 1901, sau khi thân mẫu qua đời, Nguyễn Sinh Cung theo cha trở về Nghệ An, rồi lấy tên là Nguyễn Tất Thành, tích cực học chữ Hán và còn theo cha đi một số nơi, học thêm nhiều điều. Năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế, thời gian đầu học trường Pháp - Việt, sau học trường Quốc học Huế. Khoảng trung tuần tháng 5/1909, Nguyễn Tất Thành vào Bình Định và khoảng tháng 8/1910 rời Bình Định đi vào Phan Thiết (Bình Thuận) làm giáo viên trường Dục Thanh. Đến tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn.

Bình Định rất tự hào được người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từng sinh sống và học tập. Tuy thời gian không dài nhưng vùng đất và con người Bình Định đã ghi dấu ấn quan trọng, góp phần hình thành nên tư tưởng, ý chí cứu nước cứu dân của Nguyễn Tất Thành.

Với lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do và dân chủ cho dân tộc Việt Nam, ngày 5/6/1911 với tên gọi mới là Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Nhà Rồng của thành phố Sài Gòn đi Mác xây (Pháp). Hành trang của Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài là tri thức về văn hóa phương Đông và phương Tây, lòng yêu nước nhiệt thành và một dự định lớn lao "xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta". Để sống và hoạt động cách mạng, Người làm bất cứ việc gì: Phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong các khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh,…

Gần mười năm, vừa lao động kiếm sống vừa khảo sát thực tiễn nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa, khảo sát các cuộc cách mạng ở các nước Pháp, Anh, Mỹ,… Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức quan trọng: Cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng là những cuộc cách mạng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người. Cách mạng tư sản xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng. Từ đó, Người đi đến kết luận: Chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi theo con đường cách mạng này. Nguyễn Tất Thành đã tìm ra những mặt trái của xã hội phương Tây: "Ở đâu cũng có người nghèo khổ như xứ sở mình" do ách áp bức, bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Điều đó đã giúp Người có nhận thức quan trọng: Nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị; cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do.

Sống hoà mình cùng nhân dân lao động và phong trào đấu tranh của công nhân Pháp, Nguyễn Tất Thành say sưa hoạt động cách mạng, viết báo, hội họp, tuyên truyền, cổ động. Năm 1917, Người tham gia hoạt động trong phong trào của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Véc xây (Pháp) yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tám yêu cầu trong bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc thống trị, đồng thời cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức tỉnh táo là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình.

Sau nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm con đường cứu nước, Người đã tìm được và đi theo con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ những hoạt động thực tiễn trên và đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo tháng 7/1920, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc...

Sau khi tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam; là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Ngày 28/01/1941 (mùng hai Tết Nguyên đán Tân Tỵ), Người vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Đồng bào Pác Bó - nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, kết thúc chặng đường dài 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước đầy khó khăn, hiểm nguy của Người ở nước ngoài, đồng thời mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.

                                                                                  Anh Thư