Vừa qua, GS. TS. Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Bài viết đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của giới nghiên cứu, độc giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội chính trị cũng đăng tải không ít những thông tin, xuyên tạc giá trị lý luận và thực tiễn của bài viết, phủ nhận thành quả của sự nghiệp đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) của Việt Nam.
CNXH thường được hiểu với ba tư cách: CNXH là một học thuyết; CNXH là một phong trào; CNXH là một chế độ. Mỗi tư cách ấy lại có nhiều biểu hiện khác nhau, tùy theo thế giới quan và trình độ phát triển ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. CNXH đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là CNXH khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay.
Đi lên CNXH, gắn liền với vai trò lãnh đạo, công lao to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam với đất nước là vấn đề không cần bàn cãi. Ngay cả các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị khi không thành công trong xuyên tạc, phủ nhận sự thật hiển nhiên ấy cũng thừa nhận: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, thống nhất non sông là đúng đắn, công lao ấy được lịch sử ghi nhận. Tuy nhiên, chúng rất nham hiểm khi cho rằng, Đảng đã "hết giá trị lịch sử" hay đã "hoàn thành sứ mệnh", phải nhường lại quyền lãnh đạo đất nước cho tổ chức khác, theo đa nguyên, đa đảng thì mới dân chủ, chấn hưng, phát triển đất nước được. Đồng thời, đối với con đường phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay, chúng cũng cho rằng, đi lên CNXH không phải là sự lựa chọn đúng đắn, đã lỗi thời, chỉ là ý chí chủ quan của Đảng. Nếu Việt Nam không thay đổi sẽ tất yếu sụp đổ như Liên Xô và các nước Đông Âu mà thôi (!).
Trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: "Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa. Thực tế có phải như vậy không? Thực tế có phải hiện nay chủ nghĩa tư bản, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?". Vậy đâu là sự thật?
Để đánh giá con đường phát triển của đất nước (lựa chọn chế độ), chúng ta phải căn cứ vào nhiều yếu tố, cả lý luận và thực tiễn, trong đó có ba yếu tố cơ bản nhất: 1) Con đường đó có phù hợp với xu thế của thời đại hay không? 2) Con đường đó có phải là ý chí, nguyện vọng của nhân dân hay không? 3) Lực lượng lãnh đạo đất nước có đủ tâm, đủ tầm, đủ tài đảm nhiệm sứ mệnh của lịch sử hay không? Thực tiễn đã trả lời ba câu hỏi trên.
Thứ nhất, CNXH vẫn là tương lai của xã hội loài người.
Hiện nay, bàn về tương lai của xã hội loài người, nhiều học giả đã luận giải theo những chiều cạnh khác nhau, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố chế độ xã hội mà con người hướng tới. Chế độ xã hội tương lai phải vì con người, vì sự tồn tại và phát triển của thế giới theo hướng tích cực. Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có".
Vây chủ nghĩa tư bản (CNTB) hay CNXH đáp ứng được khát vọng, nguyện vọng đó của nhân loại?
CNTB chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước. Từ giữa thập kỷ 70 thế kỷ trước, nhất là từ sau khi Liên Xô tan rã, để thích ứng với điều kiện mới, CNTB thế giới đã ra sức tự điều chỉnh, thúc đẩy các chính sách "tự do mới" trên quy mô toàn cầu (và nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển). Tuy nhiên, CNTB vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt là, năm 2008 - 2009 chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa khác và tác động đến hầu hết các nước trên thế giới. Các nhà nước tư sản đã bơm những lượng tiền khổng lồ để cứu các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tổ hợp công nghiệp, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, nhưng không mấy thành công. Và hôm nay, chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN): đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc. Những tình huống "phát triển xấu", những nghịch lý "phản phát triển", từ địa hạt kinh tế - tài chính đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội. Sự thật cho thấy, bản thân thị trường tự do của CNTB không thể giúp giải quyết được những khó khăn, trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu. Khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng TBCN. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó. Một bộ phận rất nhỏ dân số nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội. Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào "99 chống lại 1" diễn ra ở Mỹ đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản. Sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, không thực chất. Như vậy, CNTB không phải là tương lai của xã hội loài người.
Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội TBCN: đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc. |
CNXH sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ lâm vào thoái trào, song có những biến đổi, đột phá trong giai đoạn hiện nay. Các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) còn lại đã tiến hành đổi mới, kiên trì con đường đi lên CNXH với những chủ trương, chính sách rộng mở, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Đời sống của nhân dân ở các nước XHCN không ngừng được nâng lên, niềm tin vào chế độ được giữ vững, củng cố vững chắc. Đảng Cộng sản ở mỗi nước luôn được xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao phẩm chất, trình độ năng lực đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Các nước XHCN cũng tích cực tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề mang tính toàn cầu, thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ XHCN trong xây dựng, bảo vệ con người, môi trường sống lành mạnh. Ngay cả các học giả tư sản khi bàn về tương lai của xã hội loài người cũng khẳng định CNTB không phải là chế độ cuối cùng của lịch sử. Tuy không trực tiếp khẳng định đó là CNXH, chủ nghĩa cộng sản nhưng những dự đoán, mô hình, tiêu chí của xã hội hậu tư bản mà họ đưa ra chứa đầy những yếu tố của CNXH, đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, là một xã hội quan tâm đến cuộc sống của con người, là xu thế sống hài hòa với môi trường sống…. Những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, kể cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn với lịch sử phát triển của xã hội loài người đều được các nước nghiên cứu thấu đáo, được trân trọng và khẳng định như những cống hiến vĩ đại với loài người. Cuộc đấu tranh của người lao động diễn ra rộng khắp để phản đối những khủng hoảng, bất cập, hệ lụy của CNTB mang lại cho thế giới, cho con người. Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: "Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức "dân chủ tự do" mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ. Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn".
Như vậy, tương lai của xã hội loài người không phải là CNTB hay xã hội nào khác mà chính là CNXH với bản chất tốt đẹp: tất cả vì con người, vì sự phát triển hài hòa giữa con người và môi trường sống. Việt Nam đi lên CNXH là phù hợp với xu thế khách quan của lịch sử.
Thứ hai, đi lên CNXH vẫn là ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ước mơ, khát vọng ngàn đời của người Việt Nam là: Tổ quốc độc lập, hòa bình, thống nhất, phát triển, nhân dân có cuộc sống tự do, hạnh phúc. Trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân", "Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam".
Trong giai đoạn hiện nay, ý chí, khát vọng của người dân Việt Nam vẫn là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; bảo vệ vững chắc nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc, xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các nước trên thế giới, có vị thế xứng đáng trên bản đồ thế giới, có trách nhiệm cao trong giải quyết các vấn đề toàn cầu trên tinh thần tôn trọng, hòa bình, hợp tác và phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp ở nhiều phương diện, trong đó có sự quan tâm, đóng góp, ủng hộ của toàn xã hội. Các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đến năm 2025, 2030, 2045 mà Văn kiện Đại hội xác định nhận được sự đánh giá cao và đồng tình của người dân. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được dư luận đánh giá cao, đặc biệt là sự tham gia trên 99% của cử tri, có nơi đạt 100% cử tri đi bầu. Các đại biểu trúng cử cơ bản tập trung, đúng người có tài, có đức, số phiếu tín nhiệm rất cao. Trong cuộc chiến chống "giặc" COVID-19, cả thế giới đều ghi nhận nước ta là số ít quốc gia kiểm soát và chống dịch hiệu quả nhất, trong đó có sự ủng hộ, đồng tình tuyệt đối, tham gia của các cấp, các ngành và toàn dân... Thực tế đó đã chứng minh, người dân Việt Nam luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, vào con đường đi lên CNXH- con đường mà Đảng, Bác Hồ, các thế hệ cha anh đã lựa chọn và đổ biết bao mồ hôi xương máu mới giành được. Đi lên CNXHvẫn là ý chí, nguyện vọng của người dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Phiên bế mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng Ảnh: TTXVN
Thứ ba, không có tổ chức nào có thể thay thế Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng chỉ có một mục đích: xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công CNXHvà cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Chỉ có Đảng mới có nền tảng tư tưởng tiến bộ, phù hợp với văn hóa, truyền thống Việt Nam. Chỉ có Đảng mới tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp, phát huy cao nhất lòng yêu nước, trí tuệ, đoàn kết của nhân dân ta trong sự nghiệp cách mạng. Chỉ có những đảng viên kiên trung mới chịu đựng được mọi gian lao, thử thách, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, vì sự tiến bộ của loài người, trở thành tấm gương sáng cho nhân dân noi theo. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đều vì dân, đại diện và hiện thực hóa ý chí, nguyện vọng, khát vọng của nhân dân, làm cho "dân giàu", dân "thụ hưởng" nhiều hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới, với quan điểm xuyên suốt: "phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên lãnh đạo, điều hành đất nước đều có trình độ cao, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Như vậy, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đủ tâm, tầm, tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lẫn trong các quan hệ quốc tế. Chỉ có Đảng lãnh đạo mới làm cho đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam được nhân loại tiến bộ, ưa chuộng hòa bình trên thế giới biết đến, tôn trọng và yêu quý, ngưỡng mộ.Đảng ta được nhân dân tin cậy, thừa nhận là người lãnh đạo chân chính, duy nhất, là đội tiên phong của giai cấp và cả dân tộc Việt Nam.
Lịch sử đã chứng minh không có một tổ chức nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn chân chính của người dân Việt Nam, lịch sử Việt Nam. |
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo