CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku mở ra cơ hội phát triển lớn
Thứ năm 22/05/2025 11:17

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 21.5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm để Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự: Tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Tham gia góp ý về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, Trưởng Đoàn ĐBQH Bình Định Lê Kim Toàn bày tỏ sự đồng tình với cơ sở pháp lý và chính trị của dự thảo. ĐB đánh giá cao sự chặt chẽ của các quy định liên quan đến trường hợp, trình tự, thủ tục VKS khởi kiện.

ĐB Lê Kim Toàn nêu một số băn khoăn về hậu quả pháp lý khi VKS đứng đơn khởi kiện. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.

Tuy nhiên, ĐB Toàn nêu một số băn khoăn về hậu quả pháp lý khi VKS đứng đơn khởi kiện. Khi đó, VKS đồng thời thực hiện vai trò của 3 chủ thể: nguyên đơn, bên tiến hành tố tụng, bên kiểm sát việc thực thi pháp luật trong quá trình tiến hành tố tụng. Điều này dẫn đến tình huống “vừa đá bóng, vừa thổi còi” - một vấn đề cần được làm rõ.

ĐB Toàn cũng đặt vấn đề: trong một vụ án dân sự, nếu VKS là nguyên đơn, khi bị ảnh hưởng quyền lợi, bị đơn hoặc bên liên quan có quyền phản tố, tức khởi kiện lại nguyên đơn là VKS. Trong trường hợp đó, việc xử lý ra sao?

Mặt khác, nếu VKS là nguyên đơn không đồng ý với bản án tòa xử, khi đó xác định là bản kháng cáo của nguyên đơn, hay là bản kháng nghị của VKS?

ĐB Toàn nhấn mạnh phải làm rõ những hệ quả pháp lý của việc thí điểm này. Nếu không, trong quá trình thực hiện có thể phát sinh vướng mắc. Trong tố tụng dân sự, việc bảo vệ quyền lợi bên này đồng nghĩa với việc đặt ra nghĩa vụ và trách nhiệm cho bên kia. Vì vậy, quy trình, thủ tục - đặc biệt trong quá trình tố tụng - cần hết sức chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên đúng theo quy định pháp luật và bản chất vụ việc.

Phân cấp mạnh cho địa phương làm chủ đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Về Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đánh giá việc Chính phủ quyết định đầu tư dự án này là bước cụ thể hóa các nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Kết luận của Bộ Chính trị và Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường bộ; phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai - sắp tới sẽ sáp nhập thành 1 tỉnh. 

ĐB Lý Tiết Hạnh thống nhất với chủ trương phân cấp mạnh cho địa phương làm chủ đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

ĐB Hạnh cho rằng: “Việc sớm đầu tư dự án là cần thiết, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo định hướng của Đảng và Nhà nước; giúp người dân đi lại thuận lợi, giảm thời gian di chuyển, nâng cao an toàn giao thông; đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây; bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Đặc biệt, sẽ phân bổ lại và tạo ra không gian mới phục vụ phát triển kinh tế; kéo gần khoảng cách giữa các vùng kinh tế, phát huy vai trò của hạ tầng kinh tế trong đó có cảng Quy Nhơn, sân bay Phù Cát, sân bay Pleiku trong kết nối giữa các tỉnh Duyên hải miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên rộng lớn, giàu tiềm năng và các cửa khẩu biên giới, kết nối với các nước bạn như Lào, Campuchia, đông bắc Thái Lan…

Theo ĐB Hạnh, qua nghiên cứu cho thấy Nghị quyết đã xác định 9 nhóm chính sách rất quan trọng, gồm: 3 chính sách đã được áp dụng cho dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Nghị quyết số 58/2022/QH15); 5 chính sách cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Nghị quyết số 187/2025/QH15); 1 chính sách từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Nghị quyết số 172/2024/QH15). Đây là những chính sách đã được triển khai thực tiễn, mang lại hiệu quả rõ rệt, nên có thể yên tâm áp dụng.

“Với tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ, tôi đồng tình với chủ trương phân cấp mạnh cho địa phương làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, nhất là xây dựng 3 hầm qua địa hình đèo cao, vực sâu trong điều kiện quản lý các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao còn hạn chế; để đảm bảo chất lượng, tiến độ, chúng tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ tăng cường đồng hành, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện”, ĐB Hạnh nhấn mạnh.

M.LÂM - N.HÂN - Nguồn Báo Bình Định