CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Đồng chí Lý Tự Trọng - Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên
Thứ sáu 18/10/2024 16:57

“Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác...”, câu nói bất hủ của anh hùng Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên trước tòa án đại hình đã trở thành lý tưởng sống và kim chỉ nam hành động cho các thế hệ thanh niên Việt Nam trong mọi thời kỳ.

Đồng chí Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914. Anh sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, có cha là cụ Lê Hữu Đạt (còn được gọi là Lê Khoan) quê ở làng Kẻ Vẹt (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, mẹ là cụ Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trước cảnh áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, gia đình Lê Hữu Trọng rời quê hương sang sinh sống tại Bản Mạy, thuộc tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan và tham gia hoạt động yêu nước.

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng (Ảnh sưu tầm)

Từ nhỏ, Lê Hữu Trọng đã bộc lộ tư chất thông minh, nhanh nhẹn, tinh thần ham học hỏi. Hơn 6 tuổi, anh được đến trường do các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội mở ở Bản Mạy học tập. Tại đây, anh được học lịch sử nước Nam, văn thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu và các nhà yêu nước khác cũng như học tiếng Hán, tiếng Thái...

  Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên thành lập ở Quảng Châu - Trung Quốc. Giữa năm 1925, đồng chí Ngô Chính Quốc - thành viên của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc) về việc lựa chọn một số con em của các gia đình Việt Kiều yêu nước tại đây đưa sang Quảng Châu học tập, chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên cộng sản ở Việt Nam, Lê Hữu Trọng là một trong tám thiếu niên được lựa chọn. Đến Quảng Châu, nhóm thiếu niên này được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục, rèn luyện trưởng thành. Để đảm bảo bí mật, các thiếu niên đều mang họ Lý coi như người trong một gia tộc, và Lê Hữu Trọng đổi tên thành Lý Tự Trọng. Anh cùng nhóm thiếu niên được đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Sau thời gian học tập, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu.

Giữa năm 1929, anh được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia nhiều hoạt động cách mạng, đồng thời, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ. Lý Tự Trọng được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đặc biệt nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản.

  Ngày 08/02/1931, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức buổi tuyên truyền với nội dung kêu gọi liên minh công - nông, yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm. Đồng chí Phan Bôi (bí danh là Quảng) lúc này phụ trách tuyên truyền của xứ ủy, Lý Tự Trọng được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ. Khi quần chúng xem đá bóng ở sân bóng C.I.A xong, vừa đổ ra đường, đồng chí Phan Bôi đứng lên diễn thuyết, bọn cảnh sát ập đến, tên mật thám Legrand nhảy vào bắt đồng chí Phan Bôi. Không còn cách nào khác để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn tên mật thám gục xuống. Trước sự kiện chấn động đó, thực dân Pháp đã ra sức truy lùng và bắt sống được anh. Phát súng của Lý Tự Trọng để cứu đồng chí Phan Bôi đã làm rung chuyển Sài Gòn, thực dân Pháp không nghĩ một thanh niên mới 17 tuổi lại dám liều mình bắn chết mật thám ngay trước công chúng.

Sau khi bị thực dân Pháp bắt, dù bị tra tấn vô cùng dã man nhưng Lý Tự Trọng vẫn một lòng kiên trung, không khai bất cứ thông tin gì.  Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi Luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt và dõng dạc nói:“Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Lý Tự Trọng bị kết án tử hình khi chưa đầy 17 tuổi. Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Mặc dù bị xiềng xích nhưng hàng ngày anh vẫn tập thể dục, đọc Truyện Kiều, động viên các bạn trẻ nêu cao ý chí cách mạng.

 Cuộc đời của anh hùng Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng tinh thần cách mạng của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên noi theo. Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2024) là dịp để tri ân công lao to lớn, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất, tấm gương hy sinh quên mình vì nước, vì dân của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên đã cống hiến trọn đời cho cách mạng.                                                        

Kim Thoa