Ngay từ những ngày đầu tiên trên con đường cách mạng, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã thể hiện khát vọng cháy bỏng về tự do và độc lập cho dân tộc Việt Nam, được thể hiện qua câu nói đầy quyết tâm: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Khát vọng này không chỉ là lời thề mà còn là kim chỉ nam cho toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Người. Từ khát vọng đầu tiên ấy, Người đã kiên định theo đuổi mục tiêu giải phóng dân tộc. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Người đã bày tỏ mong muốn cuối cùng trong bản Di chúc lịch sử: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.” Từ khát vọng ban đầu đến tâm nguyện cuối cùng, tất cả đều là những dấu ấn sâu sắc trong hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua mọi thử thách để đạt đến tự do, độc lập và phồn vinh.
Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911). (Ảnh: hochiminh.vn)
Khát vọng đầu tiên: Hành trình đi tìm tự do và độc lập
Ngày 05/6/1911, từ bến cảng Nhà Rồng, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bỏ quê hương với một niềm khát khao mãnh liệt về tự do và độc lập cho dân tộc. Đặt chân lên con tàu ra đi, Người không chỉ mang theo lý tưởng cứu nước mà còn một trái tim đầy nhiệt huyết và sự quyết tâm vững vàng. Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài là khoảng thời gian đầy thử thách nhưng cũng là những bước đi quan trọng trong hành trình tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc.
Qua nhiều năm tháng nghiên cứu và học hỏi, Nguyễn Tất Thành tìm thấy con đường cách mạng vô sản, mở ra một triết lý mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Người đã rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ". Với tầm nhìn xa trông rộng, Người trở về quê hương truyền bá chủ nghĩa Mác - Lenin và sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, một tổ chức tiền phong trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng Việt Nam đã đạt được những thắng lợi quan trọng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ chấm dứt ách thống trị thực dân Pháp mà còn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc; Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta và Hồ Chủ tịch thể hiện sự kiên trì, trí tuệ và lòng dũng cảm trong việc dẫn dắt nhân dân vượt qua những thử thách khắc nghiệt.
Khát vọng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” của Hồ Chí Minh đã trở thành hiện thực khi đất nước hoàn toàn thống nhất vào năm 1975. Đây không chỉ là thành quả của những chiến thắng quân sự mà còn là minh chứng cho tinh thần kiên cường và bất khuất của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh, đất nước đã vượt qua những thử thách lớn lao để đạt được mục tiêu cao nhất của mình – tự do và độc lập. Hành trình này không chỉ phản ánh tầm nhìn của một nhà lãnh đạo vĩ đại mà còn là biểu tượng của ý chí và sức mạnh của một dân tộc kiên cường.
Từ khát vọng đến lý tưởng: Xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Khát vọng tự do và độc lập của Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc giành lại quyền tự quyết cho dân tộc mà còn mở rộng thành lý tưởng xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, nơi mọi người dân đều được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người nhấn mạnh rằng cách mạng không chỉ là giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ mà còn là xây dựng một xã hội mà ở đó mỗi người dân đều có cơm ăn, áo mặc và được học hành.
Những chỉ dẫn của Người đã được Đảng và Nhân dân ta hiện thực hóa trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ sau gần 40 năm đổi mới. Đến năm 2023, quy mô GDP của Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD, đưa đất nước trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người đã tăng 58 lần lên khoảng 4.300 USD, đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam. Kể từ năm 2008, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp và dự kiến sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 700 tỷ USD vào năm 2023, với xuất siêu kỷ lục 28 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng lên 100 tỷ USD, và đầu tư nước ngoài tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với vốn đăng ký tăng 32% trong năm 2023. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 46/132 quốc gia, và tốc độ phát triển công nghệ tin học nằm trong top cao nhất thế giới. Về giáo dục, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và giáo dục trung học cơ sở vào năm 2014; số sinh viên đại học và cao đẳng tăng gần 20 lần trong gần 40 năm qua.
Điều mong muốn cuối cùng: Tầm nhìn cho tương lai
Khi đất nước bước vào giai đoạn đấu tranh cuối cùng để thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ điều mong muốn cuối cùng của mình trong bản Di chúc lịch sử. Người viết: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.” Đây không chỉ là mong muốn của một nhà lãnh đạo mà còn là di huấn của một người cha già kính yêu đối với toàn thể dân tộc Việt Nam.
Thực hiện lời dạy của Người, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc phát triển đất nước. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 35 trong số 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, với mức tăng trưởng GDP trung bình khoảng 6-7%/năm trong thập kỷ qua. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc xây dựng một xã hội dân chủ và công bằng. Dựa trên nền tảng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách và chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Các chính sách về xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân và bình đẳng giới đã được thực hiện hiệu quả, với bảo hiểm y tế bao phủ 93,35% dân số và tuổi thọ trung bình tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023. Những chính sách này đã góp phần đáng kể vào việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và đảm bảo rằng mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, việc tăng cường công tác giám sát và phòng chống tham nhũng, lãng phí đã nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý nhà nước, từ đó đã nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Cơ chế đối thoại giữa chính quyền và nhân dân ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện cho người dân tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách và giám sát việc thực hiện. Những bước tiến này là minh chứng cho nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy một xã hội dân chủ, nơi tiếng nói của mọi công dân được lắng nghe và tôn trọng.
Tầm nhìn và di sản của Hồ Chí Minh trong thời đại mới
Trong thời đại hội nhập toàn cầu, tư tưởng của Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng con đường phát triển của đất nước. Khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và giàu mạnh không chỉ là lý tưởng của quá khứ mà còn là mục tiêu phấn đấu của hiện tại và tương lai. Với tinh thần đó, toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực xây dựng một đất nước thịnh vượng, giữ vững độc lập, tự chủ, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Thực thi đường lối đối ngoại đúng đắn theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Đặc biệt, nước ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động của ASEAN, Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Khát vọng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” từ những ngày đầu của Nguyễn Ái Quốc đã được Đảng và Nhân ta hiện thực hóa, và điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dần trở thành hiện thực trong từng bước đi của dân tộc Việt Nam. Hành trình từ khát vọng đến hiện thực ấy là minh chứng cho ý chí kiên cường, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và lòng yêu nước nồng nàn của một dân tộc đã viết nên những trang sử hào hùng trong công cuộc đấu tranh vì “Độc lập - Tự do – Hạnh phúc” của Nhân dân và hướng đến xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng.
Nguyễn Hữu Lộc