Ngày 12.6, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề). Tại kỳ họp, nhiều nghị quyết quan trọng được HĐND tỉnh thông qua, đáng chú ý là nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 và quy định tiêu chí thành lập tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Quang cảnh kỳ họp.
Thành lập tổ bảo vệ ANTT và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Tại kỳ họp, đại tá Võ Đức Nguyện, Giám đốc CA tỉnh báo cáo nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Quy định tiêu chí thành lập tổ bảo vệ ANTT; tiêu chí về số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT và một số chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Về cơ cấu, tổ bảo vệ ANTT cơ sở gồm 1 tổ trưởng, 1 tổ phó và các tổ viên - trong đó số lượng tổ viên được bố trí tương ứng với số lượng hộ của từng thôn, khu phố. Mức hỗ trợ hằng tháng đối với tổ trưởng là 1,44 triệu đồng/người, tổ phó 1,26 triệu đồng/người, tổ viên 1,08 triệu đồng/người. Cùng với đó là các khoản hỗ trợ về BHXH tự nguyện và BHYT.
Tiếp đó, Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn trình bày Tờ trình và dự thảo Nghị quyết đề nghị thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, tại TP Quy Nhơn, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của các phường Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt vào phường Trần Phú. Sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi vào phường Thị Nại. Sau khi sắp xếp, TP Quy Nhơn có 17 đơn vị hành chính cấp xã.
Tại TX Hoài Nhơn, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Hoài Hải vào phường Hoài Hương. Sau khi sắp xếp, TX Hoài Nhơn có 16 đơn vị hành chính cấp xã.
Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết được trình tại kỳ họp thứ 16.
Tham gia thảo luận về Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đại biểu (ĐB) Đinh Drin (đơn vị huyện Vĩnh Thạnh) tỏ ra băn khoăn về kinh phí thực hiện. ĐB Đinh Drin nói: “Vĩnh Thạnh là huyện nghèo, hằng năm ngân sách tỉnh phải hỗ trợ 100%. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết có quy định nguồn kinh phí thực hiện giao từ nguồn ngân sách địa phương thì e rằng khó đảm bảo. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo”.
Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thành Hải cho biết: Trong Dự thảo Nghị quyết, nguồn kinh phí thực hiện được ghi là nguồn kinh phí ngân sách địa phương theo phân cấp. Tuy nhiên, đây là chính sách mới, việc thực hiện sẽ do ngân sách tỉnh đảm bảo. Khi nào các địa phương tự chủ được thì tỉnh mới quyết định phân cấp.
“Nghị quyết ban hành sẽ có hiệu lực lâu dài, hiện nay đây là chính sách phát sinh mới, chưa có quy định trong phân cấp thì ngân sách cấp huyện, xã sẽ không bố trí. Giả sử như sau này các địa phương tự chủ kinh phí được, HĐND tỉnh quy định nhiệm vụ này sẽ có phần ngân sách của địa phương thì chúng ta mới thực hiện theo”, ông Hải phân tích.
ĐB Đặng Mạnh Cường (TP Quy Nhơn) đề xuất nên giao cho UBND TP Quy Nhơn và TX Hoài Nhơn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức sau khi sắp xếp các xã, phường.
Tham gia góp ý về Tờ trình đề nghị thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, ĐB Đặng Mạnh Cường (đơn vị Quy Nhơn) đề nghị giao cho UBND TP Quy Nhơn và TX Hoài Nhơn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các xã, phường.
“Tờ trình có nêu cụ thể sau khi sáp nhập các phường trên địa bàn thành phố, các cán bộ, công chức được chuyển về công tác tại thành phố, hoặc về UBND tỉnh. Theo tôi nên quy định giao cho UBND thành phố hoặc thị xã xem xét, bố trí, giúp cán bộ, công chức có công việc phù hợp hơn”.
Cố gắng sắp xếp cán bộ, công chức ở mức tối ưu
“Quan điểm của tỉnh là cố gắng sắp xếp ở mức tối ưu nhất. Đối với trường hợp người hoạt động không chuyên trách nếu không còn cách nào khác thì phải giải quyết đầy đủ chế độ; còn số cán bộ, công chức trong biên chế bằng mọi cách sẽ điều động, bố trí, sắp xếp vào các đơn vị kể cả các vị trí ở cấp tỉnh và các địa phương lân cận trong tỉnh”. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng |
Kết luận nội dung thảo luận, giải trình, đối với nội dung về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và chính sách hỗ trợ một lần đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng đây là phương án tối ưu và phù hợp nhất thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là việc sắp xếp số cán bộ, công chức của các địa phương sau sáp nhập. “Hiện có 81 trường hợp chưa thể sắp xếp được, trong đó có 67 cán bộ, công chức và 14 người hoạt động không chuyên trách. Quan điểm của tỉnh là cố gắng sắp xếp ở mức tối ưu nhất. Đối với trường hợp người hoạt động không chuyên trách nếu không còn cách nào khác thì phải giải quyết đầy đủ chế độ; còn số cán bộ, công chức trong biên chế bằng mọi cách sẽ điều động, bố trí, sắp xếp vào các đơn vị kể cả các vị trí ở cấp tỉnh và các địa phương lân cận trong tỉnh”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nói.
Về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng có thể chế độ cho một số chức danh ở thôn sẽ có sự chênh lệch, nhưng không được có tư tưởng so sánh, so bì vì chức năng, nhiệm vụ của mỗi người ở mỗi chức danh sẽ khác nhau. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện việc rà soát, điều chỉnh các bất cập để phù hợp với tình hình thực tế. Về nguồn kinh phí thực hiện, cấp nào ban hành chính sách thì cấp đó chịu trách nhiệm, tỉnh ban hành chính sách thì tỉnh sẽ cân đối.
Khẩn trương ban hành các quy định, kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết Kỳ họp lần thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua 15 nghị quyết với sự nhất trí cao của đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Ngoài các nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 và quy định tiêu chí thành lập tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở, HĐND tỉnh còn thông qua các nghị quyết về: phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng nút giao đường ven biển Cát Tiến - Diêm Vân và đường trục Khu kinh tế; điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư các dự án: đường ven biển (ĐT 639), đoạn Cát Tiến - Đề Gi; tuyến đường kết nối từ Trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; các tuyến đường kết nối trên địa bàn TX An Nhơn; các quy chế quản lý kiến trúc đô thị, thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát), thị trấn Bình Dương và thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ)… Để tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh khẩn trương ban hành các quy định, kế hoạch triển khai thực hiện. Chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định, cơ chế, chính sách được ban hành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết. Đồng chí Hồ Quốc Dũng cũng lưu ý đối với Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập tổ bảo vệ ANTT; tiêu chí về số lượng thành viên tổ bảo vệ ANTT và một số chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, phải khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức ra mắt, đưa lực lượng này vào hoạt động kể từ ngày 1.7.2024 theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng thôn, khu phố an toàn về ANTT, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đối với Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Chính phủ theo quy định. |
N.HÂN - H.PHÚC - Nguồn Báo Bình Định