CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
Xây dựng văn hóa công vụ để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Thứ ba 12/07/2022 13:59

Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là quá trình “không nghỉ”, “không ngừng” với quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Để ngăn chặn “giặc nội xâm” bên cạnh quyền lực cứng là cơ chế, chính sách pháp luật, xử lý nghiêm minh thì việc gia tăng quyền lực mềm qua việc xây dựng, thực thi văn hóa công vụ là một giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

XÂY DỰNG VĂN HÓA CÔNG VỤ

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Các giải pháp phòng, chống tham nhũng phải phù hợp với bối cảnh yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hoá của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, phải xây dựng được văn hoá công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hoá công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ”.

Để phòng ngừa, ngăn chặn và chống lại “giặc nội xâm”, “kẻ thù hung ác”, bên cạnh việc xây “lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực thì việc xây dựng, hình thành văn hóa công vụ là giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và truyền thống văn hóa dân tộc.

Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Vì thế, việc xây dựng, thực thi tốt văn hóa công vụ - văn hóa của những người thực thi nhiệm vụ công sẽ tạo môi trường lành mạnh để cán bộ "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra sáng 30/6/2022.

Văn hóa công vụ là sự tổng hòa của những giá trị tốt đẹp do nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) kiến tạo nhằm xác lập vị thế, vai trò của cơ quan công quyền đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; tạo dựng uy tín, niềm tin giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Văn hóa công vụ bao gồm những giá trị hữu hình và giá trị ngầm ẩn, biểu hiện sinh động qua tinh thần, thái độ làm việc; qua lời nói, hành vi, đạo đức lối sống và chuẩn mực ứng xử của đội ngũ CBCCVC.

Giá trị ngầm ẩn của văn hóa công vụ thể hiện ở triết lý, mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn của cơ quan, đơn vị. Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Người nhấn mạnh bản chất của nước Việt Nam mới, đó là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Người dân phải thực sự được hưởng hạnh phúc, tự do, vì “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, những giá trị, triết lý, mục tiêu cao cả đó vẫn được các thế hệ CBCCVC kế thừa, phát huy, giữ vững nền độc lập tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đề cao quyền lợi chính đáng của nhân dân với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Để xây dựng văn hóa công vụ, kiến tạo bản sắc của cơ quan công quyền, khẳng định sứ mệnh người đại biểu của nhân dân, đội ngũ CBCCVC qua các thời kỳ luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; giữ vững bản lĩnh, tư cách đạo đức cách mạng; tránh xa các tệ “trái phép”, “cậy thế”, “hủ hóa”, “tư túng”, “chia rẽ”, “kiêu ngạo”; thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí; thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, xứng đáng “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản chất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, về đạo đức công vụ của người cán bộ, đảng viên, trở thành những giá trị thiêng liêng mà đội ngũ CBCCVC ngày nay luôn nỗ lực, cố gắng, kiên trì thực hiện.

Văn hóa là những gì tốt đẹp do con người sáng tạo ra, được cộng đồng chấp nhận, gìn giữ, tôn vinh; nó có chức năng giáo dục, định hướng và điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của con người theo hướng tích cực, tiến bộ, nhân văn, vì sự phát triển. Văn hóa công vụ là những chuẩn mực, quy ước thành văn và bất thành văn do đội ngũ CBCCVC thực thi, vận hành nhằm thực hiện đúng chức trách, bổn phận mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Văn hóa công vụ đề cao tinh thần gương mẫu, tiên phong của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Những tấm gương sáng, những nhân cách chính trị cao đẹp sẽ tạo nguồn cảm hứng tích cực và sức hấp dẫn lớn để quy tụ sức mạnh, tinh thần đoàn kết của cơ quan, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ công. Trong môi trường văn hóa công vụ, những giá trị nhân văn, tốt đẹp sẽ tạo những xung lực mới để mỗi cá nhân không ngừng nỗ lực phấn đấu, vươn lên tự hoàn thiện mình, có nhiều đóng góp lớn cho cộng đồng, xã hội.

Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

THỰC THI TỐT VĂN HÓA CÔNG VỤ

Thời gian qua, trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của đồng tiền, danh vị; sự trỗi dậy của lòng tham và dục vọng cá nhân, sự xui khiến của người thân và những thế lực thù địch, nhiều cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, giữ những vị trí quan trọng bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã vi phạm những nguyên tắc của Đảng, có những hành vi đi ngược lại lợi ích cộng đồng, sa vào tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Những vụ việc mà cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp xử lý kỷ luật trong 10 năm qua với “2.740 tổ chức đảng bị kỷ luật, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sỹ quan cấp tướng”, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, mà hậu quả là làm tổn hại ngân sách quốc gia, làm chậm nhịp phát triển của đất nước, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Nguyên nhân của những vụ việc, hiện tượng trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là cơ bản, do cá nhân phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái về  tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, cũng một phần do cơ quan, tổ chức, tập thể thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần phê bình và tự phê bình, còn nể nang, né tránh trong nhận xét, đánh giá cán bộ. Việc giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức cho cán bộ, đảng viên chưa được thường xuyên dẫn đến môi trường văn hóa công sở, văn hóa công vụ nhiều nơi bị “ô nhiễm”, tạo thuận lợi cho cái xấu, cái ác nảy sinh, hoành hành.

Để xây dựng và thực thi tốt văn hóa công vụ, tạo bầu không khí và môi trường làm việc lành mạnh, khoa học, nhân văn, liêm chính, góp phần ngăn ngừa những hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần thực thi đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó việc nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi CBCCVC có ý nghĩa quan trọng.

Mỗi CBCCVC trong thực thi công vụ, cần thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh; phải có tinh thần tôn trọng, yêu quý nhân dân, dựa vào dân, học tập nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để mang lại cho họ cuộc sống ngày càng đầm ấm, yên vui. Thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó cần thực hiện tốt 3 nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cần xứ lý tốt, hài hòa ba mối quan hệ theo chỉ dẫn của Người, đó là “Mình đối với mình”, “Mình đối với người” và “Mình đối với công việc”, tạo sự khách quan, công bằng, liêm chính trong thực thi nhiệm vụ công.

Với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cần thực thi tốt tinh thần nêu gương sáng về tư cách, phẩm chất đạo đức, lối sống; có tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, toàn diện, công tâm, công khai, minh bạch, chính xác. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, mẫu mực về nhân cách, trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không tham nhũng, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm, không để người nhà, người thân lợi dụng vị trí công tác để vụ lợi. Nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước (Chỉnh phủ ban hành năm 2007) và Đề án văn hóa công vụ (Chính phủ ban hành năm 2018), Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, Nụ cười công sở… Việc thực hiện thành công văn hóa công vụ sẽ góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ CBCCVC; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ; nâng cao đạo đức công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội.

Mỗi CBCCVC phải có tinh thần, trách nhiệm cao với công việc. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhà nước, bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và phục vụ nhân dân. Hình thành nét đẹp văn hóa ứng xử nơi công sở với những quy tắc, chuẩn mực được quy định cụ thể, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là những tinh hoa văn hóa trong nghệ thuật trị nước của ông cha; những đạo lý, phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam truyền thống. Quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế công sở theo hướng hiện đại, thông minh với cảnh quan, không gian làm việc sáng - xanh - sạch - đẹp; cách bài trí công sở hiện đại, văn minh; trang phục của CBCCVC gọn gàng, lịch sự, thể hiện sự tôn trọng chính mình cũng như tôn trọng đồng nghiệp và nhân dân, tạo dấu ấn và bản sắc độc đáo của cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ”. Việc xây dựng văn hóa công vụ sẽ hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ, tạo nền tảng tinh thần vững chắc để giáo dục, ngăn ngừa những hành vi tham nhũng, tiêu cực, tạo những đột phá, sức mạnh mới để xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

Việc xây dựng văn hóa công vụ với những giá trị tốt đẹp được lan tỏa sẽ tạo động lực tinh thần, cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức mạnh để mỗi CBCCVC không ngừng nỗ lực, cống hiến, mang lại những điều tốt đẹp cho nhân dân. Thực thi tốt văn hóa công vụ với những cơ chế, sức mạnh mềm từ chuẩn mực, quy tắc đạo đức cộng đồng sẽ giúp mỗi CBCCVC tự điều chỉnh hành vi, tự soi, tự sửa để không ngừng tự hoàn thiện bản thân, tránh xa những thói hư, tật xấu, xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

TS. Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tạp CHí Ban Tuyên giáo Trung ương