CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH, PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC VÀ CẢI CÁCH TƯ PHÁP: Thống nhất về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp
Thứ hai 30/05/2022 15:53

Ðể nâng cao hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp, các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải thống nhất về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình hành động số 14-CTr/TU về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu chung đặt ra từ kế hoạch là các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải thống nhất về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ quốc phòng - quân sự; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, “điểm nóng” về ANTT; không để xảy ra các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, gây dư luận trong nhân dân. Đồng thời, xây dựng nền tư pháp địa phương “chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”… nhằm tạo môi trường ổn định, phục vụ phát triển KT-XH và xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại UBND tỉnh. Ảnh: K.ANH

Để thực hiện đạt mục tiêu đó, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; củng cố, kiện toàn bộ máy, tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cơ quan, đơn vị làm công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Về các nhiệm vụ trọng tâm, liên quan đến công tác quốc phòng - quân sự, cần thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý nhân lực, phương tiện tàu thuyền tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu nước ngoài trên vùng biển của tỉnh. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm lãnh hải, sớm chấm dứt tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Với công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phải chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở trong mọi tình huống, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về ANTT. Tập trung nắm chắc tình hình khiếu kiện, tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp nhỏ ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng” về ANTT. Thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, tích cực chủ động đấu tranh, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tập trung vào các băng, nhóm, đường dây tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, liên quan đến “tín dụng đen”, ma túy, môi trường, tội phạm xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, tính mạng, sức khỏe con người…

Đối với công tác cải cách tư pháp, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là tiếp tục thực hiện việc đổi mới về tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Các hoạt động tư pháp phải đảm bảo tính kịp thời, nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp, chính dáng của tổ chức, cá nhân, đồng thời tồn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp.

Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, công tác giải quyết, xét xử và thi hành án dân sự, hành chính; đi đôi với việc nâng cao nhận thức pháp luật, tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động kiểm sát, giải quyết, xét xử, thi hành án và thực hiện công khai, minh bạch thủ tục tư pháp tại tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, coi đây là khâu đột phá trong hoạt động cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND và MTTQ Việt Nam các cấp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giám sát các hoạt động tư pháp, trọng tâm là tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kháng cáo, kháng nghị, việc giải quyết vụ án có dấu hiệu oan, sai, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, số lượng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn đối với công tác tư pháp và hoạt động của các cơ quan tư pháp tại các kỳ họp của HĐND.

Tăng cường thanh tra có trọng tâm, trọng điểm

Thanh tra tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 331/KH-TTT triển khai thực hiện Chương trình hành động số 14-CTr/TU.

Theo Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Văn Thơm, Thanh tra tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quản lý nhà nước và xây dựng ngành. Trong đó, đáng chú ý, lĩnh vực công tác thanh tra KT-XH trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra có trọng tâm, trọng điểm trong những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vi phạm chính sách, pháp luật, có phát sinh những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các lĩnh vực: Quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản; quản lý tài chính và ngân sách nhà nước; việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Nguồn Báo Bình Định