Tối 17.4, tại Quảng trường 19.4 (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4.1972 - 19.4.2022).
Đại biểu Trung ương, tỉnh, địa phương và người dân dự lễ. Ảnh: HỒNG PHÚC
Về dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu V, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, Sư đoàn 3 Sao Vàng.
Về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT và đông đảo người dân huyện Hoài Ân và các vùng lân cận.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Thắng lợi của chiến dịch Xuân Hè 1972 mà đỉnh cao là chiến thắng Hoài Ân đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân tỉnh ta nói riêng và Khu V nói chung. Ảnh: HỒNG PHÚC
Trong diễn văn ôn lại sự kiện tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Thắng lợi của chiến dịch Xuân Hè 1972 mà đỉnh cao là chiến thắng Hoài Ân đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân tỉnh ta nói riêng và Khu V nói chung. Chiến thắng này đã tạo căn cứ địa vững chắc cho phong trào cách mạng, làm bàn đạp giải phóng các vùng lân cận, mở ra vùng chiến lược quan trọng ở đồng bằng Trung Trung bộ, nối liền Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, tạo ra thế và lực góp phần tạo nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng tỉnh Bình Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
“Chiến thắng Hoài Ân năm 1972 là kết quả của cả một quá trình chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, là kết quả của sự hy sinh xương máu và sự đóng góp công sức to lớn của đồng bào, chiến sĩ trong huyện và của những người con từ khắp mọi miền đất nước đã từng nếm mật, nằm gai chiến đấu, công tác trên mảnh đất Hoài Ân trung dũng kiên cường; là sự vận dụng một cách nhuần nhuyễn sáng tạo phương châm “2 chân 3 mũi giáp công” của quân và dân trong huyện cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Sư đoàn 3 Sao vàng anh hùng”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng xúc động nói.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, từ ngày giải phóng đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Ân đang viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng đã đạt được, ra sức lao động, sản xuất xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Hoài Ân đã tiến từng bước vững chắc để sau 50 năm giải phóng, kinh tế của huyện không ngừng phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển nông, lâm nghiệp toàn diện, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi mang thương hiệu riêng của huyện Hoài Ân.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển; công nghiệp, thương mại - dịch vụ, văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bộ mặt đô thị, nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hoài Ân đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Ảnh: HỒNG PHÚC
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Hoài Ân đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Hoài Ân luôn một lòng sắt son với Đảng, anh dũng, kiên cường và góp phần cùng với cả tỉnh trở thành hậu phương vững chắc của Khu V.
“Từ ngày 10.3.2022, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định đã phối hợp phát hiện vị trí chôn các liệt sĩ hy sinh năm 1966 tại Đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu. Tôi đánh giá cao các cơ quan, đơn vị của tỉnh Bình Định trong việc phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt các chiến sĩ đã hy sinh để đưa các anh về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ, thể hiện tình cảm và trách nhiệm, sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho quê hương, đất nước”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý: Trong thời gian đến, trước những biến động to lớn, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là tác động của dịch Covid-19, tỉnh Bình Định đứng trước nhiều cơ hội, vận hội xen lẫn với không ít khó khăn, thách thức.
Để xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện Hoài Ân nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống tốt đẹp của quê hương, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tranh thủ mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022 và các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
“Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, chúng ta tự hào về những chiến công oanh liệt và truyền thống vẻ vang của quân và dân ta, chúng ta nguyện sẽ quyết tâm gìn giữ và phát huy mạnh mẽ truyền thống quý báu đó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, viết tiếp trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc” - đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Thay mặt lãnh đạo huyện Hoài Ân, Bí thư Huyện ủy Đỗ Thị Diệu Hạnh cho biết: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện nhà chính là dịp để toàn Đảng bộ nhìn lại quá trình xây dựng, kiến thiết quê hương, để mỗi người con Hoài Ân dù đang công tác, sinh sống, lao động, học tập ở quê hương hay trên khắp mọi miền của đất nước càng tự hào hơn về sự phát triển và đổi thay của quê hương mình, xác định rõ trách nhiệm của các thế hệ tiếp bước để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bí thư Huyện ủy Hoài Ân Đỗ Thị Diệu Hạnh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Bí thư Huyện ủy Hoài Ân xin hứa với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong thời gian đến, Đảng bộ, chính quyền Hoài Ân sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện, tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, tiến đến xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung thực hiện tốt Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm để tạo cơ hội liên kết sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện...
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hoài Ân, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Ân.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Ân. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Tiếp nối phần lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật “Hoài Ân Anh dũng quật cường - 50 năm xây dựng và phát triển” với nhiều tiết mục đặc sắc. Lễ kỷ niệm khép lại với màn bắn pháo hoa tầm thấp, thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ.
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật “Hoài Ân Anh dũng quật cường - 50 năm xây dựng và phát triển”. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Ca sĩ Trọng Tấn để lại ấn tượng đẹp với các ca khúc về quê hương, đất nước. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Nguồn Báo Bình Định