CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Chính trị
CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC: Bình Định giữ vững khát vọng, nêu cao ý chí, đột phá hơn nữa trong phát triển
Thứ ba 15/02/2022 16:05

Sáng 15.2, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước dẫn - đầu đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và công tác trọng tâm năm 2022. Tham dự đoàn công tác Trung ương có đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành: Ủy ban Dân tộc, Bộ

Về phía lãnh đạo tỉnh, có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc.

Trong năm 2021, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, song nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ các bộ, ban, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các ngành, các cấp phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức, năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư... Nhờ đó, KT-XH của tỉnh Bình Định tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển, với 15/19 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long báo cáo với Chủ tịch nước và đoàn công tác của Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và công tác trọng tâm năm 2022.

Trong đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 4,11%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 (tăng 3,45%) và bình quân chung của cả nước (2,58%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được triển khai quyết liệt. An sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm; hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp từng bước được nâng lên...

Năm 2022, tỉnh Bình Định phấn đấu chỉ tiêu tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6 - 6,5%. Để đạt được chỉ tiêu chung này, tỉnh đặt mục tiêu tổng quát là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH, thực hiện đồng bộ các giải pháp kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, phấn đấu tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình so với cả nước. Tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Bình Định.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Định đề xuất, kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo xây dựng Cảng hàng không Phù Cát thành Cảng hàng không quốc tế. Đồng thời, sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng dự án tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, tuyến cao tốc có ý nghĩa tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển KT-XH vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tỉnh Bình Định cũng đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem xét, có ý kiến sớm ban hành Luật về thừa phát lại; có chương trình tổng thể hỗ trợ nguồn vốn xây dựng trụ sở Cxã trên phạm vi cả nước, trong đó có Bình Định; giải quyết cho cán bộ, công chức, LLVT và người dân trên địa bàn xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho xã đảo và hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng cho xã đảo.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định đề nghị Bộ VH-TT&DL hỗ trợ kinh phí để đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, nhất là các tháp Chăm; quan tâm, hỗ trợ sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm giao kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và vốn thực hiện trong 2 năm 2021 - 2022 đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hướng dẫn thực hiện để tỉnh Bình Định có căn cứ xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện và bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương. Đề nghị Bộ NN&PTNT xây dựng, ban hành Đề án tổng thể về phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu các tỉnh miền Trung giai đoạn 2022 - 2026, đề xuất vay vốn ODA để thực hiện Đề án; đầu tư nâng cấp hồ Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh) và hồ Núi Một (TX An Nhơn).

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy trả lời kiến nghị của tỉnh về hỗ trợ kinh phí để đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, nhất là các tháp Chăm; quan tâm, hỗ trợ sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước những thay đổi của Bình Định về sự phát triển hạ tầng giao thông và đô thị hóa trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh khó khăn chung do dịch Covid-19, Bình Định đã đạt được những kết quả phát triển ấn tượng.

Chủ tịch nước chỉ đạo, trong thời gian tới, tỉnh cần có sự đột phá hơn nữa, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực để phát triển song song với đảm bảo phát triển bền vững. Việc phát triển KT-XH phải gắn liền với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, phát huy sức mạnh nhân dân. Bên cạnh 3 khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Chủ tịch nước yêu cầu Bình Định bổ sung, hiện thực hóa thêm một đột phá về phát triển đô thị.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tư duy phát triển nông nghiệp Bình Định cần chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tập trung xây dựng nông thôn mới. Sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Quy Nhơn - Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn của châu Á. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến sự hài hòa giữa các vùng miền trong phát triển KT-XH, đảm bảo sự phát triển cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án giải phóng mặt bằng...

Bình Định cũng cần chú ý tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ phát triển, quan tâm đến những DN là cánh chim đầu đàn; chú ý đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH. Hạ tầng thông tin, phát triển kinh tế số cần được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong giám sát, xây dựng Đảng và chính quyền.

Chủ tịch nước yêu cầu các bộ, ngành Trung ương quan tâm đến các kiến nghị của Bình Định. Nhân dịp năm mới - Nhâm Dần 2022, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc  mong Đảng bộ Bình Định phát huy khí thế mới, tinh thần mới, trách nhiệm mới, giữ vững khát vọng, có ý chí cao hơn nữa, đoàn kết để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu mới, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng thay mặt lãnh đạo tỉnh tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cảm ơn những tình cảm đặc biệt của Chủ tịch nước, các bộ, ngành Trung ương dành cho tỉnh Bình Định. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc tiếp thu các chỉ đạo của Chủ tịch nước, đoàn kết, quyết tâm đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.

LÊ CƯỜNG - NGUYỄN MUỘI - Nguồn Báo Bình Định