“Chúng ta đã đi qua năm 2021 với quá nhiều gian nan, trắc trở. Song, càng khó khăn càng khẳng định giá trị của những thành quả từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ”. Đó là chia sẻ của đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - trong cuộc trao đổi cởi mở với phóng viên Báo Bình Định.
Không đẩy cái khó về phía dân
● 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh với bối cảnh đặc biệt, chưa có tiền lệ. Đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, lây lan rộng, tác động tiêu cực đến sự phát triển KT-XH và mọi mặt đời sống của nhân dân trong tỉnh. Chúng ta đã vượt qua khó khăn ấy như thế nào, thưa đồng chí?
- Trước tình hình khó khăn, phức tạp của năm qua, vấn đề đặt ra là làm sao thực hiện được 3 mục tiêu: Khống chế dịch Covid-19, phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội. Mọi quyết sách được đưa ra phải đảm bảo khống chế được dịch, nhưng không quá cực đoan dẫn đến đứt gãy sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Nhất quyết không đẩy cái khó về phía người dân; không để dân đói, dân cực, dân khó khăn.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Qua 3 đợt dịch đầu tiên, Bình Định không có trường hợp nào mắc Covid-19. Đợt dịch thứ 4 bùng phát tàn khốc, nặng nề trên phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam; Bình Định vẫn luôn trong trạng thái kiểm soát được dịch. Chúng ta đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp vừa kịp thời, vừa uyển chuyển, linh động; tỉnh táo trong xử lý các tình huống phát sinh, không để bị động, lúng túng. Các DN duy trì hoạt động, thời gian phải dừng sản xuất để chống dịch của một số DN rất ngắn, chỉ 5 - 10 ngày, chứ không phải kéo dài 3 - 4 tháng như nhiều nơi khác; qua đó vẫn giữ được việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu ngân sách.
Một yếu tố quan trọng nữa là tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Quyết sách đưa ra không được người dân đồng tình, ủng hộ thì nhất định không hiệu quả. Cùng với đó là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhiều người quên ăn quên ngủ, hết sức vất vả, nhất là lực lượng tuyến đầu chống dịch.
“Trước những khó khăn, thách thức cũng như yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, nhất là người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và động viên toàn dân trong tỉnh nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022, đưa tỉnh nhà nhanh chóng vượt qua đại dịch, bắt nhịp xu hướng khôi phục và tăng tốc phát triển toàn diện KT-XH”. Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG |
Đáng chú ý, lãnh đạo tỉnh đã điều hành phát triển kinh tế hết sức linh hoạt, nhạy bén, kịp thời. Tỉnh đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN, đưa ra những quyết sách hỗ trợ kịp thời, sát cánh cùng DN, người dân trong quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế...
Thành quả có được sau nỗ lực bền bỉ suốt năm qua là phần lớn các chỉ tiêu KT-XH của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Nổi bật là tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 4,11%, trong khi nhiều địa phương khác không tăng, thậm chí âm rất sâu. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm ước đạt hơn 13.707 tỷ đồng, vượt 29,8% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,33 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ. Hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 3,6 triệu tấn, tăng 6,1%. Ước đến hết năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 95% kế hoạch vốn giao… Đây là các chỉ tiêu mang tính thước đo cho “sức khỏe” nền kinh tế.
Trong điều kiện cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng tỉnh vẫn thu hút 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 80,3 triệu USD; thu hút 93 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn trên 104.340 tỷ đồng. Điểm son đáng kể nhất là UBND tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Tập đoàn Kurz International Holding GMBH (CHLB Đức) thực hiện dự án Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao - dự án đầu tiên tại Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; thu hút được dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và bến cảng Long Sơn Phù Mỹ.
● Bên cạnh bức tranh phát triển kinh tế có nhiều gam màu sáng, công tác đảm bảo an sinh xã hội cũng được quan tâm đặc biệt và đạt kết quả quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 để lại nhiều hệ lụy đến đời sống của người dân. Xin đồng chí thông tin thêm về vấn đề này?
- Song song với phát triển kinh tế, tỉnh đặc biệt quan tâm chăm lo an sinh xã hội, ổn định đời sống của từng mái nhà, từng người dân.
Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã rà soát, lập danh sách và chi trả hỗ trợ cho gần 63.000 lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và các đối tượng đặc thù khác với kinh phí trên 93 tỷ đồng. Đồng thời, ngân sách tỉnh đã bổ sung, ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh 50 tỷ đồng để người lao động vay nhằm chuyển đổi, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (bên phải) trao quà động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch ở huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn, LĐLĐ tỉnh và các tổ chức từ thiện, DN, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo, người lao động, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, bệnh nhân tại các cơ sở y tế… gặp khó khăn do dịch Covid-19, góp phần giúp người dân giảm bớt khó khăn. Những “Chuyến xe nghĩa tình”, “Gian hàng 0 đồng”… giữa tâm dịch đã thể hiện rõ tinh thần lá lành đùm lá rách trong gian khổ của dân mình.
Tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho gia đình có người qua đời vì Covid-19; vận động nguồn lực xã hội để trao sổ tiết kiệm cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đáng chú ý, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức đưa trên 4.000 người dân Bình Định bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại các địa phương phía Nam về tỉnh an toàn bằng cả đường hàng không và đường bộ. Đây là việc làm rất nhân văn; những người được đón về là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, nhiều người mắc bệnh nan y… hầu hết đều có hoàn cảnh hết sức cơ cực, yếu thế, nếu không về quê được chắc chắn nhiều trường hợp sẽ tử vong do Covid-19.
Vàng đã qua lửa
● Có thể nói, những khó khăn, trở ngại trong thời gian qua là rào cản cho sự phát triển, nhưng cũng chính là thử thách rất giá trị để đánh giá năng lực hoạt động của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
- Đúng vậy. Phải khẳng định rằng, đi qua những tháng ngày gian nan nhất, đội ngũ cán bộ các cấp đã được trui rèn, từng bước thể hiện được năng lực, bản lĩnh. Nhiều người đã cống hiến hết mình, không hề tính toán thiệt hơn, bất chấp nguy hiểm lăn xả vào tâm dịch, bám cơ sở quên ngày quên đêm.
Thực tiễn công tác trong giai đoạn chống dịch chính là tấm gương phản chiếu trung thực năng lực thực thi công vụ của đội ngũ công bộc của dân. Và, từ đó gieo vào lòng dân những ấn tượng tốt đẹp, nhân lên niềm tin về sức mạnh đoàn kết sẽ vượt lên trên tất cả trở ngại.
Song, cũng qua bước sàng lọc quan trọng ấy đã lộ rõ những người làm việc cầm chừng, ngại khó, ngại khổ, né việc; chưa tận tụy với công việc, chưa tận tâm phục vụ nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (đứng giữa) dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại làng Canh Tân, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng giúp chúng ta nhận diện chính xác hơn về khả năng chống chịu của nền kinh tế, của từng DN. Thành quả lẫn hạn chế thu nhận được đều là bài học quý giá để tỉnh vượt qua những thử thách mới. Bước vào năm 2022 và những năm tiếp theo, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải làm việc gấp đôi, gấp ba trong giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Tôi tin rằng, sau khi đã nén sâu, chiếc lò xo sẽ bật ra với lực mạnh nhất.
● Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện năm 2021 cũng như dự báo tình hình tới đây, đâu là những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, thưa đồng chí?
- Đầu tiên là tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Khẩn trương tiêm bao phủ vắc xin cho 100% dân số đủ điều kiện tiêm chủng và chuẩn bị tốt cho việc tiêm vắc xin tăng cường, tiêm vắc xin cho trẻ em.
Đồng thời, hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy hoạch trên các lĩnh vực, đảm bảo triển khai có hiệu quả các chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tập trung vào 5 trụ cột, 3 khâu đột phá đã chỉ ra. Nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, phương án đẩy mạnh phát triển KT-XH tỉnh thời kỳ “hậu Covid-19”. Phối hợp lập Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tiến độ, chất lượng và khả thi; tỉnh đã mời nhà tư vấn hàng đầu thế giới tham gia.
Cùng với đó là tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Rà soát, phối hợp, hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã đăng ký trên địa bàn, đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định. Chỉ đạo tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch phù hợp với tình hình dịch bệnh… Đẩy mạnh kích cầu du lịch sau đại dịch, nhất là hạ tầng kết nối các điểm du lịch, cơ sở lưu trú, sản phẩm đặc trưng, đưa Bình Định trở thành địa điểm hấp dẫn, thân thiện, an toàn.
Đặc biệt là phải rà soát các cơ chế chính sách, đưa ra những cơ chế, chính sách vượt trội, ưu tiên thu hút đầu tư, nhất là ở Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, tạo động lực phát triển công nghiệp. Từ dự án đầu tư của Tập đoàn Kurz International Holding hay dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn, chúng ta có quyền kỳ vọng về kết quả thu hút đầu tư của tỉnh sẽ khởi sắc trong thời gian đến.
Bên cạnh đó là tập trung hoàn tất thủ tục và tổ chức khởi công các dự án đầu tư công trọng điểm mà HĐND tỉnh đã thông qua, nhất là trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục. Chú trọng chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm; triển khai quyết liệt các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, đề án thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Thực hiện tốt nhiệm vụ thu chi ngân sách năm 2022. Tập trung chỉ đạo rà soát các nguồn thu, vừa nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu trong điều kiện dịch, vừa chống thất thu ngân sách, đảm bảo nhu cầu chi theo kế hoạch. Chú trọng thực hiện tiết kiệm chi ngân sách, dành nguồn lực để chi các nhiệm vụ cấp bách, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số theo Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cần tập trung hoàn thành dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo và Khu Đô thị khoa học Quy Hòa, tạo điểm nhấn, chuẩn bị tâm thế bước vào thời đại của nền công nghiệp 4.0.
● Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện) - Nguồn Báo Bình Định