Các đồng chí lãnh đạo dự lễ. Ảnh: HỒNG PHÚC
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; chuẩn đô đốc Mai Trọng Định - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số ngành, địa phương trong tỉnh; các CCB "tàu không số".
Chuẩn đô đốc Mai Trọng Định, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, phát biểu ôn lại truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: HỒNG PHÚC
Tại buổi lễ, các đại biểu cùng nhau ôn lại lịch sử hình thành của Đường Hồ Chí Minh trên biển với điểm nhấn là hình ảnh "Đoàn tàu không số" với những chiến công lẫy lừng. Cách đây 60 năm, ngày 23.10.1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn Vận tải biển 759 (ngày 29.1.1964 đổi thành Đoàn 125), có nhiệm vụ mở đường chiến lược quan trọng - Đường Hồ Chí Minh trên biển, để vận chuyển người, vũ khí, trang bị kỹ thuật, chi viện cho chiến trường miền Nam, những nơi mà Đường Hồ Chí Minh trên đất liền chưa thể vươn tới. Trong suốt 14 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961 - 1975), Đoàn Vận tải biển 759 và sau này là Đoàn 125 đã huy động 1.879 lượt tàu, thuyền, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh… kịp thời chi viện sức người, sức của, vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tại Bình Định, vào ngày 1.11.1964, Tàu 401 chở hơn 30 tấn vũ khí cập bến Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn) an toàn. Số vũ khí tiếp nhận được đã trang bị cho các trung đoàn chủ lực của Quân khu 5 và LLVT tỉnh, góp phần quan trọng vào các chiến thắng trong chiến dịch Đông Xuân 1964 - 1965 như: An Lão, Đèo Nhông - Dương Liễu, Đồi Mười, Gò Bồi… và mở ra vùng giải phóng liên hoàn, cắt đường số 1 đi Quảng Ngãi. Từ đó, tạo thế và lực mới bước vào giai đoạn chống "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ - ngụy, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Để ghi nhớ sự kiện này, năm 2005, Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến "tàu không số" chi viện vũ khí vào chiến trường Khu 5, đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đặc biệt, trong giai đoạn 2018 - 2019, được sự quan tâm của Bộ Tư lệnh Hải quân, tỉnh đã điều chỉnh mở rộng quy hoạch và đầu tư, tôn tạo lại Di tích với nhiều hạng mục khang trang như: Đài tưởng niệm, bia di tích…
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: HỒNG PHÚC
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định: Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với việc tổ chức thành công Đường Hồ Chí Minh trên biển, quân và dân ta đã viết nên bản hùng ca về ý chí, sức sáng tạo của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc chiến đấu lịch sử chống lại đế quốc Mỹ. Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển là dịp để chúng ta tưởng nhớ những chiến công anh hùng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác trên biển. Nhưng đoàn tàu và những chiến sĩ đã bí mật đạp sóng biển Đông, dũng cảm vượt qua sự ngăn chặn, kiểm soát ngặt nghèo của quân thù, tiếp tế vũ khí, bổ sung lực lượng cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam đánh mạnh, thắng to.
Các đại biểu mặc niệm, thành kính tưởng nhớ các lực lượng tham gia mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác trên biển. Ảnh: HỒNG PHÚC
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu dâng hoa, dâng hương trước Đài tưởng niệm Di tích bãi biển Lộ Diêu - nơi cập bến "tàu không số", thành kính tưởng nhớ các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác trên biển đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Dịp này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Bộ CHQS tỉnh và TX Hoài Nhơn tặng quà cho ông Lê Văn Nốt (nguyên thuyền viên "tàu không số" cập bến Lộ Diệu); ông Đinh Hoàng Thiều (nguyên đặc công Hải quân) và ông Trần Đạo (nguyên thuyền viên "tàu không số").
Nguồn Báo Bình Định