Đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh đồng ý với chủ trương của Chính phủ: "Lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài, người dân là chiến sĩ", đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất ở mọi lúc, mọi nơi.
"Điều đó cho thấy vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống y tế cơ sở rất quan trọng. Do đó, cần tập trung nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, cần xác định đầu tư không chỉ trước mắt mà còn mang tính chiến lược lâu dài", ĐB Hạnh nói.
ĐB Hạnh đề nghị Chính phủ cần tập trung rà soát, đánh giá đúng, đầy đủ, chính xác thực trạng, tình hình, năng lực của hệ thống y tế cơ sở hiện nay. Đồng thời, có tổng kết thận trọng, xác định rõ nhiệm vụ chiến lược của hệ thống y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo cơ sở để tính toán phân bổ các nguồn lực đầu tư có trọng điểm, mang lại hiệu quả, tránh lãng phí.
ĐB Lý Tiết Hạnh đề nghị Chính phủ cần tập trung rà soát, đánh giá đúng, đầy đủ, chính xác thực trạng, tình hình, năng lực của hệ thống y tế cơ sở. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển các mô hình bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa... để đảm bảo chức năng tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đây là nhu cầu bức thiết không chỉ trong công tác phòng, chống dịch mà còn trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân về lâu dài.
"Công tác quản lý dữ liệu dân cư chưa kịp thời, chính xác. Thực tế này đòi hỏi phải sớm xây dựng dữ liệu dân cư quốc gia có sự kết nối giữa các địa phương để quản lý chính xác dân cư hiện hữu là người thường xuyên sinh sống trên một địa bàn. Đây là cơ sở để thực hiện các biện pháp quản lý dân cư phù hợp, đồng thời thực hiện chính sách phân bổ vốn đầu tư theo dân cư hiện hữu cho các địa phương". Đại biểu LÝ TIẾT HẠNH |
ĐB Hạnh cho rằng, trong thời gian qua, để tập trung phát triển kinh tế, nhiều địa phương đã có quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, trong đó hình thành và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp với số lượng lao động lớn, kể cả tại chỗ và người ở các địa phương khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc quy hoạch đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế chưa được gắn chặt, đồng bộ với quy hoạch phát triển hạ tầng xã hội như y tế, thiết chế xã hội, nhà ở, chợ...
Đồng thời, liên kết phát triển hạ tầng KT-XH, hạ tầng kỹ thuật giữa các vùng chưa chặt chẽ. Dịch bệnh vừa qua cho thấy, nếu không phát triển hài hòa KT-XH giữa các tỉnh trong vùng, chỉ tập trung phát triển ở các địa phương có điều kiện, lợi thế sẽ dẫn đến quá tải về dân số, hạ tầng, y tế, giáo dục, nhà ở... cục bộ ở một số địa phương. Khi có những vấn đề xã hội nảy sinh rất lúng túng, khó giải quyết, thậm chí khủng hoảng. Đơn cử, khi dịch Covid-19 xảy ra, các bệnh viện tuyến cuối đều quá tải, gây áp lực rất lớn cho công tác điều trị.
"Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát công tác quy hoạch, trong quy hoạch cần phải có quy định gắn phát triển hạ tầng kinh tế với quy hoạch phát triển hạ tầng xã hội, xem đây là một điều kiện bắt buộc trong quy hoạch phát triển của mỗi địa phương", ĐB Hạnh kiến nghị.
Cùng với đó là quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển bệnh viện tuyến cuối ở một số địa bàn thuận lợi, phân bổ đều ở các vùng, miền, tránh tình trạng tập trung dồn vào các thành phố lớn, thiếu "hậu phương" khi có tình huống xảy ra.
NGUYỄN VĂN TRANG - Nguồn Báo Bình Định