Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân; chỉ đạo, đôn đốc các xã, phường, thị trấn, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy chế, quy định thực hiện dân chủ, gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Xây dựng điển hình về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đối với đơn vị Sở Tài chính và Ban Quản lý dự án dân dựng và công nghiệp tỉnh; Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Định, Công ty Cổ phần Xây lắp điện Tuy Phước, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung, Công ty cổ phần Dược - Trang TBYT Bình Định, Công ty TNHH Hoàng Hưng, Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam - CN Bình Định; xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn; thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước và phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, hiểu và thực hiện đúng phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân; tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp; phản biện các dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có liên quan đến đời sống nhân dân. Trong 5 năm (2016 -2021), Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh phối hợp thành lập 587 đoàn giám sát và tổ chức giám sát các nội dung nhân dân quan tâm; tổ chức 77 hội nghị phản biện xã hội…
Thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở đạt được những kết quả quan trọng. Chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch; tổ chức cho nhân dân giám sát các hoạt động của chính quyền và lấy ý kiến tham gia của nhân dân trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định những nội dung theo quy định: phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã; công khai các loại quỹ và các khoản đóng góp của nhân dân; kết quả bình xét hộ nghèo, cận nghèo; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, khu vực trưởng; những nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới mới và đến nay, toàn tỉnh có 4 đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 36,36%); 86/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,07% (vốn huy động từ cộng đồng dân cư là 1.587,54 tỷ đồng, chiếm 1,76%).. Qua đó, nhân dân đã phát huy quyền làm chủ của mình, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, bàn bạc, giám sát các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị ở địa phương.
Chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục hành chính đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; thời gian qua, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã công khai 1.875 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tổng số hồ sơ đã giải quyết là 129.997 hồ sơ. Công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân được chú trọng. Từ năm 2016-2020, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 24.268 lượt/34.596 công dân; tiếp 198 lượt đoàn đông người/4.879 người tham gia; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã đối thoại với nhân dân 215 cuộc về một số vấn đề bức xúc ở địa phương, nhân dân quan tâm. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ hòa giải cơ sở nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, bức xúc, khiếu nại của nhân dân từ cơ sở; hiện toàn tỉnh có 1.116 tổ hòa giải cơ sở/1.116 thôn, khu phố; trong 5 năm qua, đã hòa giải thành 7.426/8.958 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đạt tỷ lệ 82,8%,qua đó đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Để việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ của hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục đạt kết quả, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung quán triệt sâu rộng, triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Quy chế số 06-QC/TU, Quy định số 12-QĐi-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân" và "Trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền". Chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đảm bảo thực chất, hiệu quả; gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện cải cách hành chính; tổ chức tốt việc đối thoại giữa người đứng đầu địa phương, cơ quan, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội.
Phạm Khang