CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Các ban xây dựng Đảng
Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh
Thứ hai 26/07/2021 10:56
Chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng là yêu cầu đối với công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Toàn tỉnh hiện có 33 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 119 thôn, làng; với 39 dân tộc thiểu số, 10.621 hộ, 41.768 người, chiếm 2,81% dân số toàn tỉnh, trong đó có 3 dân tộc cư trú lâu đời, chiếm đa số là Bana có 21.650 người (chiếm 51,83%), H'rê có 11.112 người (chiếm 26,6%), Chăm có 6.364 người (chiếm 15,24%) và 36 dân tộc thiểu số khác.

Xây dựng, bồi dưỡng, thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín

Xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh luôn quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn tỉnh có 122 người người có uy tín trong đồng bào DTTS, thuộc 6 huyện: An Lão 40 người; Vĩnh Thạnh 32 người; Vân Canh 28 người; Hoài Ân 13 người; Tây Sơn 7 người; Phù Cát 2 người.

Hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, bổ sung thay thế người có uy tín đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy trình, tiêu chuẩn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các chính sách, chế độ đối với người có uy tín được thực hiện đảm bảo, kịp thời, đúng quy định. Từ 2011 đến nay đã tổ chức 40 hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 1.464 lượt người có uy tín tham dự; tổ chức 12 cuộc tham quan, học tập kinh nghiệm trong tỉnh cho 244 người có uy tín và 7 cuộc tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh và Thủ đô Hà Nội cho 166 người có uy tín; cung cấp các loại báo chí; tổ chức gặp mặt tôn vinh già làng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức thăm, tặng quà cho người có uy tín nhân dịp lễ, tết; thăm hỏi, hỗ trợ lúc ốm đau, khi gặp khó khăn, hoạn nạn… Tổng kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến 2021 gần 6 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh thực hiện trên 3,7 tỷ đồng, cấp huyện thực hiện trên 2,2 tỷ đồng.

Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín trong đồng bào DTTS năm 2020

Cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân

Người có uy tín trong đồng bào DTTS là những người gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, là địa chỉ tin cậy, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương. Họ luôn đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hộ; vận động, hướng dẫn người thân, gia đình và bà con trong thôn cùng nhau phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.  

Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ I, năm 2019

Tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các buổi tiếp dân, đối thoại trực tiếp của người đứng đấu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, những người có uy tín đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát tiển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nhất là tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bằng kinh nghiệm của mình người có uy tín đã tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư, hòa giải thành nhiều vụ khiếu nại, tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục hàng trăm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trở về hòa nhập với cộng đồng.

Mặt khác, người có uy tín có vai trò quan trọng trong giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, thông qua việc tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục; tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", thực hiện tốt phong trào "3 không" (không để Fulrô, Đề ga móc nối hoạt động; không để tôn giáo hoạt động thâm nhập trái phép; không để các tập tục lạc hậu phục hồi); thực hiện tốt  cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; thực hiện tốt các quy ước, hương ước ở khu dân cư…

Có thể khẳng định, trong 10 năm qua với việc chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước./.

Minh Lực

 

Các tin liên quan