Quang cảnh Hội nghị công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Quán triệt và thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số", Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã quán triệt và ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở; quan tâm đến lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín để thu hút đông đảo đồng bào DTTS tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Tập trung đổi mới nội dung, phương pháp vận động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, lồng ghép với các phong trào của các đoàn thể, kết hợp giữa vận động tập trung với vận động cá biệt, đặc thù; chú trọng phát huy vai trò của tổ dân vận thôn, làng trong tuyên truyền, vận động, giáo dục tại cộng đồng. Thực hiện tốt chế độ, chính sách và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc; tăng cường hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị vùng đồng bằng với các địa phương vùng đồng bào DTTS, đến nay có 236 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vùng đồng bằng được phân công kết nghĩa với 119 làng đồng bào DTTS trong tỉnh.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh với những cách làm hay, có nhiều sáng tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua thực tiễn đã có hàng trăm mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần xóa bỏ dần các hủ tục, tạo thói quen tốt, nếp sống văn minh, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, động viên cổ vũ nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như mô hình: "3 không" trong vùng đồng bào DTTS, "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm", "Vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới", "Thắp sáng đường quê", "Xây dựng tuyến đường hoa nông dân kiểu mẫu" của các huyện Hoài Ân, An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, nhất là mô hình vận động nhân dân "Dời làng xây đập" thành công tại xã An Dũng, huyện An Lão…
Cùng với việc tăng cường công tác dân vận, chính quyền các cấp đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Trung ương thành các chương trình, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, nguyện vọng của đồng bào DTTS trong tỉnh; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi; nhất là trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sạch, vệ sinh môi trường, đáp ứng cho người dân vùng đồng bào DTTS sinh hoạt và sản xuất. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao; diện mạo các huyện miền núi của tỉnh đổi thay tích cực trên nhiều lĩnh vực; 100% số thôn, làng thuộc các xã vùng DTTS được tiếp cận điện, trong đó 98,1% thôn, làng được sử dụng điện lưới quốc gia; 88% tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, 86% xã có công trình thủy lợi nhỏ; 100% các xã, thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% số xã vùng DTTS và miền núi đạt phổ cập giáo dục THCS, 100% xã có trường tiểu học; có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, 4 trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và 9 trường bán trú; 100% số xã vùng DTTS có trạm y tế, trong đó có 96,2% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 100% thôn, làng có nhân viên y tế hoạt động...
Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh được tăng cường và củng cố. Công tác cải cách hành chính và thực hiện QCDC ở cơ sở được đẩy mạnh; công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được quan tâm; các vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, luân chuyển cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người đồng bào DTTS. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban dân vận cấp ủy; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, sát với đối tượng, vùng miền; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… Qua đó đã phát huy quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận của người dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vùng dân tộc, miền núi với Đảng và Nhà nước./.
Minh Lực