Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 290-QĐ/TW về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị", Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai quán triệt Quy chế đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong tỉnh; ban hành Quyết định số 1514-QĐ/TU ngày 10/6/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bình Định"; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt và xây dựng quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ở cấp mình phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị.
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị giao ban công tác dân vận các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác dân vận của hệ thống chính trị. Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong công tác dân vận; nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân, giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của nhân dân; phát huy vai trò công tác dân vận trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân... Chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" phát triển rộng khắp trong các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị với nhiều mô hình cụ thể, hiệu quả và trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị. Đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký, thực hiện có hiệu quả 6.025 mô hình "Dân vận khéo", trong đó nhiều mô hình được biểu dương và nhân rộng.
Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới phương pháp tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và tổ chức kỳ họp theo hướng dân chủ, công khai trong việc chất vấn và trả lời chất vấn; tìm hiểu các hoạt động của đời sống xã hội ở địa phương, nắm bắt tình hình thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh tại các kỳ họp; tiếp thu và trả lời kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị, bức xúc của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân. Tăng cường hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp được tăng cường; đồng chí Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp và lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước phụ trách công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân, đảm bảo đúng pháp luật, kịp thời, có hiệu quả. Công tác cải cách hành chính được quan tâm thực hiện hiệu quả, nhờ đó hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên. Đã ban hành và tập trung triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2020; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông"; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý của các cấp, các ngành... góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm văn bản hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian, hạn chế tiêu cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức và người dân...
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tăng cường đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; thực hiện vai trò "cầu nối" trong việc củng cố, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được chú trọng thực hiện gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tích cực triển khai, với nhiều hình thức thiết thực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp.
Các đơn vị lực lượng vũ trang trong tỉnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác dân vận gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; tổ chức thực hiện có hiệu quả huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; kết nghĩa với cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn và các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và các chính sách xã hội; củng cố, tăng cường tình đoàn kết quân dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân.
Minh Lực