Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, xác định kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng, muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo.
Điều lệ Đảng tháng 10-1930 ghi rõ: “Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng một cách rất nghiêm khắc”. Để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 16-10-1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, Quyết nghị nêu rõ: “...Trung ương quyết định thành lập Ban kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng…”. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên do đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban; nơi làm việc tại đồi Pụ Miếu, xóm Phủng Hiển, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Sau này, Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII quyết định lấy ngày 16-10-1948 là Ngày truyền thống của Ngành Kiểm tra Đảng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị hợp nhất Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Thanh tra của Chính phủ. Đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Tháng 4-1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Đến Hội nghị Trung ương 10 khóa II (tháng 3-1957), căn cứ vào tình hình thực tế, Trung ương quyết định tách riêng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ. Ngày 6-3-1956, Bộ Chính trị khoá II ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra và kiện toàn tổ chức ban kiểm tra các cấp.. Từ đó, ban kiểm tra các khu ủy, tỉnh ủy, thành ủy được thành lập. Đến cuối nhiệm kỳ Đại hội II, ban kiểm tra đã được thành lập từ Trung ương đến cấp khu và cấp tỉnh, thành phố.
Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ III (tháng 9-1960), quy định: “Ban Chấp hành Trung ương, các ban chấp hành khu tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc, huyện, quận, thị, thành phố và khu phố (thuộc thành phố trực thuộc) cử ra UBKT của cấp mình gồm một số uỷ viên trong ban chấp hành. Ngoài ra, có thể cử một số uỷ viên ngoài ban chấp hành”. Cũng từ đây, ban kiểm tra các cấp đổi tên thành UBKT và do cấp uỷ cùng cấp bầu ra. Do đặc điểm lịch sử lúc đó, ở miền Bắc, tính từ Vĩnh Linh trở ra, UBKT mới được thành lập đến cấp quận, huyện và tương đương ở 31 tỉnh, thành phố và 7 đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Tại miền Nam, ngày 14-8-1969, Trung ương Cục miền Nam ban hành nghị quyết thành lập ban kiểm tra các cấp. Ban Kiểm tra Trung ương Cục được thành lập gồm 3 đồng chí, do đồng chí Phan Văn Đáng (tức Hai Văn), Phó Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng Ban; nơi làm việc tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tại Khu V, tháng 3-1970, Hội nghị lần thứ 10 Khu ủy Khu V ra quyết nghị thành lập ban kiểm tra cấp khu và cấp tỉnh. Ban Kiểm tra Khu ủy Khu V do đồng chí Trần Kiên, Ủy viên Thường vụ Khu ủy làm Trưởng ban; nơi làm việc tại xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Sau khi đất nước thống nhất, Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam và Ban Kiểm tra Khu ủy Khu V hợp nhất vào UBKT Trung ương, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3-1982), UBKT được thành lập thành hệ thống đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, uỷ ban kiểm tra các cấp ở cả hai miền Nam - Bắc đã bám sát nhiệm vụ cách mạng và công tác xây dựng Đảng, lập nhiều thành tích, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cùng toàn dân, toàn quân ta chiến đấu, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thành tích chung đó của Ngành Kiểm tra, chúng ta nhớ mãi những tấm gương sáng ngời của các đồng chí Trần Đăng Ninh, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng, Trần Kiên và biết bao đồng chí cán bộ ưu tú của Ngành luôn giữ vững bản lĩnh người cộng sản, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và sự nghiệp kiểm tra của Đảng.
Đối với Ngành Kiểm tra Đảng của Đảng bộ tỉnh Bình Định, từ ngày thành lập (1970) đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Tỉnh ủy và các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Bình Định đã phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn. Tập trung tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng. Tổ chức của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả; đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ tỉnh nói riêng; góp phần tích thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong từng thời kỳ, được các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng.
Với những thành tích đã đạt được, nhiều tập thể và cá nhân Ngành Kiểm tra Đảng bộ tỉnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý; Ngành Kiểm tra Đảng và Cơ quan UBKT Tỉnh ủy đã đạt được những thành tích tự hào: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (1998 - 2002) và Huân chương Lao động hạng Nhì (2014 - 2018); Ủy ban Kiểm tra Trung ương tặng cờ “Đơn vị xuất sắc” ba năm liền (2003, 2004, 2005), tặng cờ “Đơn vị xuất sắc” nhiệm kỳ 2001 - 2005 và nhiều Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Khối thi đua các cơ quan Đảng qua các năm…xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Ngành Kiểm tra Đảng: “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII và khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp của tỉnh; đồng thời phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, trong 9 tháng đầu năm 2022 cấp ủy các cấp tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã chủ động tham mưu, giúp cấp ủy xây dựng và lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy theo Điều 30 Điều lệ Đảng và triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều 32 của Điều lệ Đảng.
Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng toàn quốc nói chung, 52 năm ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng bộ tỉnh Bình Định là dịp để ủy ban kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của tỉnh Bình Định tiếp tục phát huy truyền thống của ngành, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực chuyên môn, nhiệt tình và trách nhiệm, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới góp phần xây dựng ngành, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững ngọn cờ lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Tuấn Kiệt - UBKT Tỉnh ủy Bình Định