CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Các ban xây dựng Đảng
TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BÌNH ĐỊNH: 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1961 - 2021)
Thứ sáu 19/11/2021 15:44
Trường Chính trị tỉnh Bình Định, tiền thân là Trường Đảng tỉnh Bình Định, được thành lập vào đầu năm 1961 tại huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh Bình Định luôn phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, hoàn thành sứ mệnh vinh quang mà Đảng và Nhà nước đã giao.

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Giai đoạn 1961-1975

Tháng 4/1961, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và phong trào cách mạng địa phương trong tình hình mới về đào tạo, huấn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, Tỉnh ủy Bình Định đã chủ trương thành lập trường Đảng tỉnh trực thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Địa điểm của Trường đóng tại làng O2, xã Tu-Kơ-Roong (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh).

Trong giai đoạn 1961-1965, trường Đảng liên tục mở các lớp huấn luyện cán bộ để đáp ứng yêu cầu tăng cường thực lực cách mạng, lãnh đạo phong trào nổi dậy của quần chúng, giành quyền làm chủ cơ sở và tổ chức quần chúng đấu tranh chống địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Mỗi năm, Trường mở từ 7 đến 8 lớp học, mỗi lớp có từ 50 - 60 học viên và thời gian học của mỗi lớp từ 15 - 20 ngày, lớp dài ngày nhất cũng không quá 1 tháng. Đối tượng học là cán bộ đội công tác các xã, cán bộ hoạt động bất hợp pháp ở những vùng địch kìm kẹp; có lớp học là cán bộ sơ cấp của các ban, ngành của tỉnh  và huyện. Nội dung học tập của thời kỳ này chủ yếu là: Tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam; quan điểm và đường lối quần chúng của Đảng; năm bước công tác vận động quần chúng; công tác phát động nhân dân thực hiện chiến tranh du kích; công tác đấu tranh chính trị và binh vận; chính sách Mặt trận; các chủ trương công tác của Tỉnh uỷ; một số vấn đề về xây dựng Đảng; khí tiết người Cộng sản.

Sau chiến dịch Đồng khởi Khu Đông (tháng 7/1964), để đáp ứng yêu cầu huấn luyện cán bộ cơ sở ở các huyện phía Đông Bình Định, cuối tháng 8/1964 Tỉnh uỷ quyết định thành lập cơ sở Trường Đảng ở Khu Đông, mang tên Trường Lê Đình Giao (Bí thư huyện uỷ Tuy Phước, hy sinh năm 1961). Lúc đầu, Trường đóng tại đình thôn Trường Thành, sau chuyển xuống địa đạo thôn Trung Lương, một thời gian sau chuyển lên đóng ở Núi Bà thuộc địa phận xã Cát Tiến, huyện Phù Cát ngày nay. Cơ sở Trường Lê Đình Giao hoạt động đến đầu năm 1966 thì chuyển về căn cứ ở xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, vì tình hình chiến trường Khu Đông đang rất ác liệt. Hơn một năm tồn tại và hoạt động, cơ sở Trường Lê Đình Giao đã mở gần chục lớp huấn luyện ngắn ngày dành cho cán bộ cơ sở xã vùng giải phóng và vùng địch tạm kiểm soát.

Khoảng giữa năm 1965, trước tình hình mới, Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ, Tỉnh uỷ chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động chính trị trong toàn Đảng bộ và trong nhân dân nhận thức rõ âm mưu thâm độc, nguy hiểm của kẻ thù. Xuất phát từ yêu cầu đó và để mở rộng diện đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, Thường vụ Tỉnh uỷ thành lập thêm một cơ sở Trường Đảng tỉnh đóng ở hang đá Hòn Chè, thuộc địa phận xã Cát Sơn, Phù Cát. Cơ sở này có nhiệm vụ mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của các cơ quan tỉnh và các huyện được điều động đi tuyến trước và số cán bộ chủ chốt, chi uỷ viên thuộc các xã vùng giải phóng của ta; đồng thời huấn luyện cán bộ cơ sở hợp pháp thuộc các xã vùng địch tạm chiếm và số thanh niên tình nguyện thoát ly tham gia kháng chiến.

Nội dung học tập cơ bản của hai cơ sở Trường Đảng lúc này là: Âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chủ trương, phương pháp đấu tranh của ta; phương pháp công tác vận động quần chúng; đấu tranh chính trị và binh vận; công tác móc nối cơ sở mật; công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới; kinh nghiệm xây dựng và giữ vững vùng giải phóng; các chủ trương công tác của Tỉnh uỷ; đạo đức cách mạng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Giai đoạn 1965 - 1975, trước tình hình mới, Thường vụ và Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ tăng cường chỉ đạo hoạt động của Trường Đảng tỉnh cả về tổ chức cũng như nội dung đào tạo, bồi dưỡng.

Khoảng giữa năm 1966 Tỉnh uỷ chủ trương sát nhập hai cơ sở Trường Đảng tỉnh (Cơ sở Trường Đảng ở làng O2, xã Vĩnh Kim và cơ sở Trường Đảng ở Cát Sơn) làm một, đóng tại hang đá Hòn Chè. Giai đoạn này do địch càn quét, đánh phá ác liệt vào vùng giải phóng và vùng hậu cứ của ta, nên hoạt động mở lớp của Trường rất hạn chế; cán bộ, nhân viên của Trường phải vừa lo tự vệ, bảo toàn lực lượng, chuẩn bị hậu cần, vừa tổ chức mở lớp với nội dung học tập gắn với tình hình âm mưu, thủ đoạn của địch và chủ trương, phương pháp đấu tranh cách mạng của ta, phổ biến kinh nghiệm về đấu tranh chính trị, binh vận, xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng địch hậu và công tác vận động quần chúng...  Từ đầu tháng 10/1967 đến tháng 01/1968, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Trường Đảng tỉnh đã mở liên tục 03 lớp. Sau Tết Mậu Thân 1968 đến cuối năm 1970, địch phản kích dữ dội, hoạt động mở lớp của Trường không thực hiện được.

Đầu năm 1970, Thường vụ Tỉnh uỷ chủ trương thành lập lại cơ sở Trường Đảng ở Khu Đông (tại hang đá Hòn Chè) để gấp rút đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ mới để kịp thời bổ sung cho số cán bộ bị tổn thất. Trong vòng một năm, Trường đã tổ chức mở được 11 lớp, cho khoảng 200 học viên. Nội dung học tập gắn với tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch và chủ trương, phương pháp đấu tranh của ta. Cũng thời gian này, cơ sở Trường Đảng ở Cát Sơn đã mở được 5 lớp với gần 150 học viên là huyện uỷ viên, cán bộ đội công tác của các xã...

Từ sau 1970 trở đi, cả hai cơ sở của Trường đều liên tục mở lớp phục vụ yêu cầu đẩy mạnh tiến công và nổi dậy. Tháng 3/1973, Thường vụ Tỉnh uỷ chủ trương sát nhập hai cơ sở Trường Đảng thành một trường đóng tại Hòn Chè, Cát Sơn. Sau khi sát nhập, Trường Đảng tỉnh tiếp tục mở lớp đến hết tháng 10/1974, số lượng học viên được bồi dưỡng trong thời gian này khoảng 600. Đến tháng 11/1974, Trường dừng mở lớp vì lúc này Tỉnh uỷ chủ trương dồn lực lượng tuyến sau cho tuyến trước, đẩy mạnh ba mũi giáp công, đẩy mạnh công kích và khởi nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Suốt chặng đường 14 năm (1961-1975), hoạt động của Trường Đảng tỉnh Bình Định trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gặp muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh, nhưng Trường đã khắc phục vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng của Tỉnh. Trong sự nghiệp kháng chiến, Trường có 10 liệt sĩ và hàng chục thương binh, góp phần tô đậm trang sử vẻ vang của Nhà trường trên một chặng đường lịch sử đấu tranh oanh liệt của nhân dân Tỉnh nhà. Đánh giá cao đóng góp của Trường Đảng tỉnh Bình Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã trao tặng cho Trường Huân chương Giải phóng hạng Ba (năm 1972).

2. Giai đoạn 1975-1994

2.1. Trường Đảng tỉnh Nghĩa Bình

Ngày 10/11/1975, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình. Đầu năm 1976 Trường Đảng Quảng Ngãi và Trường Đảng Bình Định hợp nhất thành Trường Đảng tỉnh Nghĩa Bình, là đơn vị sự nghiệp giáo dục có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh, đồng thời chịu sự hướng dẫn về nội dung, chương trình, nghiệp vụ của Ban Tuyên huấn Trung ương mà trực tiếp là Vụ Trường Đảng. Trường vừa là công cụ giáo dục, vừa là công cụ tổ chức của Đảng, có nhiệm vụ giáo dục lý luận Mác - Lênin, giáo dục những kiến thức cần thiết về lãnh đạo và quản lý, nâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất chính trị và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ chủ chốt đương chức, cán bộ kế cận đã được quy hoạch trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức quần chúng.

Ngày 19/11/1975, Ủy ban nhân dân Cách mạng (gọi tắt là UBNDCM) tỉnh Nghĩa Bình đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TOC thành lập Trường Chính quyền tỉnh, trực thuộc UBNDCM tỉnh Nghĩa Bình, là đơn vị hành chính sự nghiệp, có hạch toán kinh tế riêng, trực tiếp với Ty Tài chính tỉnh. Trường có nhiệm vụ cùng với Ban Tổ chức chính quyền lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền, đồng thời quản lý thực hiện kế hoạch sau khi được UBNDCM tỉnh duyệt; phối hợp cùng các ngành hữu quan soạn thảo chương trình và nội dung giảng dạy phù hợp từng loại đối tượng và tính chất từng ngành, trình UBNDCM tỉnh duyệt để thực hiện. Trong hơn 10 năm được thành lập (1975-1989), Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng 12.300 học viên, với hơn 160 khóa học và bồi dưỡng. Kết quả đào tạo bồi dưỡng này đã góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ở xã, phường, thị trấn; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho các đại biểu Hội đồng nhân dân sau khi được trúng cử và các đối tượng công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Tháng 7/1989, tỉnh Bình Định được tái lập, trên cơ sở đó tái lập lại Trường Đảng tỉnh Bình Định.

Với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên Nhà trường, sự chỉ đạo của Trung ương và địa phương, Trường đã khắc phục khó khăn, mở lớp đúng kế hoạch và đảm bảo về chất lượng và số lượng, không ngừng cải tiến phương pháp dạy và học, tăng cường phương tiện phục vụ giảng dạy, học tập..., góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn này.

2.2. Trường Hành chính tỉnh Nghĩa Bình

Để chuẩn bị cho tiếp quản chính quyền sau ngày giải phóng, quý I năm 1974 Tỉnh ủy Bình Định quyết định thành lập Trường Đào tạo cán bộ của UBND cách mạng tỉnh Bình Định, đóng gần Đồi Chè, Cát Sơn, Phù Cát. Trường đã sớm phối hợp cùng Trường Đảng tỉnh kịp thời đào tạo được một số cán bộ đầu tiên cho việc xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền cách mạng.

Ngày 19/11/1975, UBNDCM tỉnh Nghĩa Bình đã hành Quyết định số 30/QĐ-TOC thành lập Trường Chính quyền tỉnh, trực thuộc Uỷ ban nhân dân cách mạng (UBNDCM) tỉnh Nghĩa Bình, là đơn vị hành chính sự nghiệp, có hạch toán kinh tế riêng, trực tiếp với Ty Tài chính tỉnh. Trường có nhiệm vụ cùng với Ban Tổ chức chính quyền lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền, đồng thời quản lý thực hiện kế hoạch sau khi được UBNDCM tỉnh duyệt; phối hợp cùng các  ngành hữu quan soạn thảo chương trình và nội dung giảng dạy phù hợp từng loại đối tượng và tính chất từng ngành, trình UBNDCM tỉnh duyệt để thực hiện. Trong hơn 10 năm được thành lập (1975-1989), Trường đã đào tạo, bồi dưỡng khoảng 12.300 học viên, với hơn 160 khóa học và bồi dưỡng. Kết quả đào tạo bồi dưỡng này đã góp phần rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ở xã, phường, thị trấn; bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho các đại biểu Hội đồng nhân dân sau khi được trúng cử và các đối tượng công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Đến năm 1989, sau khi tỉnh Nghĩa Bình tách thành hai tỉnh tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, Trường đổi tên thành Trường Hành chính tỉnh Bình Định. Năm 1992 trên cơ sở hợp nhất Trường Hành chính tỉnh và Trung tâm đào tạo bồi dưỡng tại chức, Trường Hành chính-Kinh tế được thành lập, có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính quyền. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào kiến thức quản lý nhà nước trên các lĩnh vực (văn phòng, đất đai, tư pháp...) cho đội ngũ cán bộ chính quyền cấp cơ sở; bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân và thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp huyện, xã trong toàn Tỉnh; đào tạo trung cấp quản lý nhà nước; phối hợp với Sở Tư pháp mở các lớp trung cấp pháp lý; giúp các tỉnh bạn (Gia Lai, Quảng Ngãi) giảng dạy các lớp trung cấp quản lý nhà nước.

3. Giai đoạn 1994 - 2020

Ngày 01/5/1994, Trường Đảng tỉnh Bình Định chính thức được đổi tên thành Trường Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ tỉnh Bình Định và đi vào hoạt động trên cơ sở sát nhập Khoa Quản lý nhà nước của Trường Hành chính - Kinh tế với Trường Đảng tỉnh, theo Quyết định số 1187/QĐ-UB ngày 07/4/1994 của UBND tỉnh Bình Định về việc thành lập Trường Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ tỉnh Bình Định.

Thực hiện Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 05/9/1994 của Ban Bí thư về Thành lập trường chính trị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở thống nhất Trường Đảng và Trường Hành chính, ngày 29/9/1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 987/QĐ-TU đổi tên Trường Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ thành Trường Chính trị tỉnh Bình Định. Ngày 12/10/1996, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 131/QĐ-TU về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Chính trị tỉnh Bình Định.

Từ năm 1994, Trường đào tạo 02 hệ trung cấp cơ bản: trung cấp lý luận chính trị và trung cấp hành chính. Tháng 6/1996, Trường bắt đầu đào tạo trung học chính trị.  Quán triệt chủ trương của Tỉnh uỷ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trường đã đa dạng hóa công tác mở lớp. Trường liên kết, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở lớp Cử nhân chính trị, phối hợp Học viện Chính trị quốc gia khu vực III (Đà Nẵng) mở các lớp Cao cấp Lý luận chính trị, phối hợp Học viện Hành chính quốc gia mở lớp Cử nhân hành chính, phối hợp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam mở các lớp Trung cấp Thanh vận; liên kết với Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương mở các lớp Trung cấp nghiệp vụ Phụ vận; phối hợp với Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh mở lớp Trung cấp Luật.... Bên cạnh đó, công tác mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn giai đoạn này cũng được chú trọng. Trường đã mở các lớp Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực cho cán bộ chính quyền cấp cơ sở, bồi dưỡng công tác Đảng, đoàn thể.

Sau các đợt bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Trường thực hiện nhiệm vụ phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (nay là Sở Nội vụ) mở các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã vào các năm 1995, 1999, 2004. Năm 2012, Trường được UBND tỉnh giao thực hiện hơn gần 30 lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp huyện và đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011 - 2016. Năm 2017, đã mở 36 lớp Bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021, trong đó có 02 lớp dành cho đại biểu HĐND cấp huyện, 34 lớp dành cho đại biểu HĐND cấp xã.

Năm 2006, được Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh giao, Trường đã mở các lớp Bồi dưỡng Kiến thức Hành chính công cho hơn 100 cán bộ các tỉnh A-tô-pư và Sekon của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Giai đoạn 1995-2020, là giai đoạn đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Trường Chính trị tỉnh Bình Định cả về số lượng, chất lượng và quy mô đào tạo. Phát huy truyền thống, Trường Chính trị tỉnh Bình Định đã tiếp tục phấn đấu xây dựng và phát triển, góp phần vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới quê hương, đất nước.

II. MỘT SỐ THÀNH TÍCH ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng

Trải qua 60 năm, Trường đã đào tạo được 172 lớp trung cấp lý luận chính trị và lớp trung cấp lý luận chính trị-hành chính với khoảng 15.550 học viên; đào tạo được 03 lớp trung cấp hành chính với 200 học viên. Trường đã liên kết với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị khu vực III - Đà Nẵng mở được 18 lớp Cao cấp lý luận chính trị với 1.600 học viên; 02 lớp cử nhân chuyên ngành lý luận chính trị với 160 học viên; liên kết với Học viện Hành chính mở 02 lớp cử nhân Hành chính với 228 học viên; phối hợp với các học viện Thanh thiếu niên, Học viện Phụ nữ, trường Quân sự tỉnh, các trường đại học trong nước mở 50 lớp chuyên môn với gần 5.000 học viên; liên kết với Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh mở 01 lớp Trung cấp Luật với 77 học viên; tổ chức được hơn 2.100 lớp bồi dưỡng, tập huấn các chuyên đề quản lý nhà nước, xây dựng Đảng, bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã theo nhiệm kỳ hội đồng (05 khoá, tính từ năm 1994), các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của các hội, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cho 205.500 cán bộ dự học...

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở sau khi được đào tạo, bồi dưỡng tại Trường đã phát huy, vận dụng tốt những kiến thức đã học trong quá trình công tác, đã và đang là lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở, nhiều đồng chí đã trưởng thành và giữ các chức vụ cao ở Trung ương, Tỉnh và các cơ quan đơn vị.

2. Về công tác nghiên cứu khoa học 

Hoạt động nghiên cứu khoa học từng bước được quan tâm, trong giai đoạn 1996 - 2016,Nhà trường có 25 đề tài khoa học cấp khoa, phòng và 194 sáng kiến. Các đề tài và sáng kiến tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, tổ chức quản lý, phục vụ, các sáng kiến đã được đưa vào áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Trường đã hoàn thành việc biên soạn và nghiệm thu, đưa vào sử dụng phần học thứ VII "Tình hình và nhiệm vụ của địa phương tỉnh Bình Định"; biên soạn Kỷ yếu Trường Chính trị tỉnh Bình Định - 45 năm xây dựng và trưởng thành (1961-2006). Từ năm 2019, mỗi năm xuất bản 02 số Thông tin lý luận và thực tiễn. Trường tổ chức và phối hợp với các ban, ngành trong tỉnh tổ chức nhiều toạ đàm, hội thảo khoa học cấp Trường, cấp tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Trong hai năm 2019 - 2020, Trường phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức thành công 03 Toạ đàm khoa học cấp tỉnh với các chủ đề về Bác Hồ, về Đảng; chủ trì, tham gia Hội thảo khoa học của Cụm thi đua số 06; tham gia Hội thảo khoa học do Trường Chính trị tỉnh Gia Lai tổ chức.

Với trách nhiệm là cụm trưởng Cụm thi đua số 6, ngày 22/11/2019, Trường đã tổ chức, chủ trì Hội thảo khoa học với chủ đề:"Một số vấn đề về việc thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG, ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về ban hành "Quy chế Quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" với sự tham gia của 05 trường thuộc Cụm thi đua số 6 của Học viện, bao gồm các trường chính trị Duyên hải miền Trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã chuẩn bị tham luận, trao đổi, đi sâu phân tích các vấn đề lý luận, thực tiễn hết sức thiết thực, tạo cơ sở cho sự chuyển mình, đảm nhiệm tốt hơn nữa các nhiệm vụ chính trị của các trường chính trị.

Hội thảo khẳng định với việc ban hành Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chức năng, nhiệm vụ, vị thế của các trường chính trị đã được nâng cao; các trường chính trị cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xây dựng trường chính trị trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, thành phố. Đồng thời, các trường chính trị tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới toàn diện công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng; vươn lên đảm nhiệm chức năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Hàng năm Trường đều tổ chức cho giảng viên thao giảng cấp khoa, cấp Trường và cử giảng viên tham gia Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc do Học viện Chính trịquốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, kết quả có 06 đồng chí đạt loại giỏi, 01 đồng chí đạt loại xuất sắc; Hàng năm Trường tổ chức từ 02 đến 03 buổi tọa đàm khoa học, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề; cán bộ, giảng viên nhà trường luôn tích cực trong việc viết bài cho báo địa phương, báo chuyên ngành; Trường đã tổ chức tốt việc thực hiện đi nghiên cứu thực tế cho cán bộ, giảng viên; Nhà trường chú trọng bổ sung, phục vụ kịp thời sách, báo, tạp chí, giáo trình, tài liệu tham khảo; xây dựng mới "Tủ sách Văn kiện Đại hội Đảng các cấp", "Tủ sách Hồ Chí Minh", tủ sách pháp luật, đưa lên hộp thư nhà trường nhiều danh mục sách mới tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên nghiên cứu, giảng dạy và học tập tốt.

3. Về công tác cán bộ và tổ chức bộ máy

Trong suốt chiều dài lịch sử của Trường, Nhà trường đã không ngừng nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường cả về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, coi đây là khâu có tính đột phá và có tính chiến lược, lâu dài. Từ năm 1987 đến nay công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ ngày càng được chú trọng và nâng cao, bộ máy của nhà trường ngày càng hoàn thiện, các đơn vị được hình thành và hoạt động theo hướng chuyên sâu. Hiện nay nhà trường có 44 cán bộ, viên chức và người lao động. Về bằng cấp đào tạo: tiến sĩ: 02; thạc sĩ: 23; cử nhân: 16; cao đẳng: 01; trung cấp: 02; trình độ lý luận chính trị: 18 cao cấp, 18 trung cấp.

Về hạng viên chức: Giảng viên chính: 10; giảng viên: 15; chuyên viên chính: 05; chuyên viên, kế toán viên: 09; nhân viên: 05.

Thực hiện Nghị Quy định số 09 -QĐi/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Quyết định số 1235-QĐ/TU ngày 28/12/2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh Bình Định.

Nội dung quan trọng nhất của Quy định số 09-QĐi/TW xác định: Trường chính trị cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh uỷ, thành ủy.

Đây cũng là một bước ngoặt lớn trong công tác tổ chức bộ máy trường chính trị cấp tỉnh nói chung, Trường Chính trị tỉnh Bình Định nói riêng. Từ cơ cấu 04 khoa, 03 phòng, đã được tinh giản còn 03 khoa, 02 phòng; chức năng, nhiệm vụ được quy định rõ hơn, cụ thể hơn, mở rộng hơn so với trước đây.

Sau thời gian khẩn trương, Trường đã tổ chức Hội nghị công bố các quyết định về tổ chức bộ máy Trường Chính trị tỉnh Bình Định, có hiệu lực từ ngày 01/8/2019.

Năm 2020, thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các văn bản của cấp trên, Đảng bộ Trường đã tiến hành đại hội các chi bộ trực thuộc và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 vào ngày 20 tháng 05 năm 2020. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa mới với 07 đồng chí; bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan gồm có 02 đồng chí. Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 thành tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất cao của toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của nhà trường. Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), đồng chí Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. 

Xuyên suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Trường, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cần thiết giúp Trường Chính trị tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó:

Một là, phải xây dựng niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, vào chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp đổi mới là yếu tố quan trọng để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt trong Trường là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Ba là, năng động, sáng tạo luôn là yếu tố quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Bốn là, để làm tốt công tác đào tạo trong tình hình mới ở Trường Chính trị, phải có cơ sở vật chất đủ để đáp ứng các yêu cầu.

Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, suốt 60 năm qua Trường Chính trị tỉnh Bình Định đã luôn luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các thế hệ cán bộ của Trường trước đây và hiện nay đã góp một phần sức lực, trí tuệ cho sự phát triển chung, hoàn thành sứ mạng vinh quang - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị của tỉnh nhà.

             Phan Văn Huệ - Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh