CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2021): Từ tư tưởng của Bác đến quan điểm thống nhất của Đảng về xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc
Thứ hai 28/06/2021 11:12
Ngày 10/10/1959, tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách để giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thông tốt đẹp của gia đình Việt Nam; đồng thời, tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Tùy vào tình hình thực tiễn cụ thể của từng giai đoạn lịch sử, các chủ trương và chính sách này đều có những thay đổi nhất định nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị cốt lõi. Nhất là trong giai đoạn đất nước hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về gia đình và xây dựng gia đình hạnh phúc càng đậm nét, phù hợp với nhu cầu thực tiễn đất nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI khẳng định: "Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mớiĐảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng cần đề ra phương hướng, chính sách và có biện pháp tổ chức thực hiện về xây dựng gia đình văn hóa mới, bảo đảm hạnh phúc gia đình". Gia đình được nhìn nhận là yếu tố cấu thành nên xã hội, có vai trò quan trọng, quyết định đến sự thành công của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Tiếp nối quan điểm được đặt ra từ Đại hội lần thứ VI, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII được tổ chức vào tháng 6/1991, Đảng đã chỉ rõ mối quan hệ mật thiết giữa 3 yếu tố gia đình - nhà trường - xã hội trong việc giáo dục, hình thành nhân cách con người. Trong đó, "gia đình là tế bào xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách". Có thể nói, lần đầu tiên trong một văn kiện của Đảng, vai trò của gia đình trong mối quan hệ với nhà trường và xã hội đã được khẳng định như là yếu tố đầu tiên, liên tục và quan trọng nhất đối với sự phát triển của mỗi con người. Cương lĩnh cũng chỉ ra những định hướng các chính sách của Nhà nước với gia đình là "phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người".

Đến Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, Đảng lại tiếp tục khẳng định "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người". Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, cũng đã xác định: "Gìn giữ và phát huy đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội…".

Có thể thấy, Đảng ta đã xác định gia đình chính là nơi lưu truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; xây dựng văn hóa trong gia đình là một nội dung quan trọng. Xây dựng gia đình văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, quyết định đến những kết quả đạt được của công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Quan điểm này tiếp tục được Đảng khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX, XI, XII.

Ngày 21/02/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là lần đầu tiên Đảng ban hành một chỉ thị chuyên đề về gia đình, đề cập đến tất cả khía cạnh như: thực trạng, mục tiêu, giải pháp của xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trong đó nhấn mạnh "Coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Gia đình có trách nhiệm với các thành viên và với xã hội; Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình". Chỉ thị thể hiện nhận thức sâu sắc của Đảng về gia đình và công tác xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đây cũng là cơ sở, định hướng đúng đắn, cụ thể cho việc xây dựng, ban hành và thực hiện hàng loạt các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy định trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, các ban ngành, đoàn thể về xây dựng gia đình hạnh phúc trong những năm tiếp theo, như: Nghị định số 02/2013/NĐ-CP; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình; Đề án về phát huy mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình… Đặc biệt, ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau gần 20 năm triển khai, nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam hàng năm đã được tổ chức trên toàn quốc, thu hút được sự tham gia của các cấp, các ngành và đông đảo người dân với sức lan tỏa rộng lớn. Ngày Gia đình Việt Nam năm nay với chủ đề "Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc" diễn ra trong bối cảnh thế giới và nước ta đang chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam bị ảnh hưởng. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt thường ngày của các gia đình đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là dịp để từng cá nhân, từng gia đình có nhiều thời gian để quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu nhau, thấu hiểu các giá trị của mái ấm; các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhờ đó cũng được phát huy.

An Nam