CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
Thứ sáu 29/11/2024 16:48

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm phát động từ ngày 10/11 - 10/12/2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm phát động từ ngày 10/11 - 10/12/2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 (Ảnh: Nguồn Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế)

Thành tựu và rào cản

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS và ban hành nhiều chủ trương, chính sách, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với đó, Chính phủ đã đẩy mạnh xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng.

Nhờ đó, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây và đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, được thế giới ghi nhận.

Tuy nhiên, theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), một số vấn đề vẫn đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, đã ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đó là việc nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ y tế do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp. Nhiều người trong các nhóm nguy cơ cao thường hạn chế về tài chính, có thu nhập thấp và không có khả năng chi trả cho các dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta vẫn còn phụ thuộc vào viện trợ quốc tế (chiếm gần 50%, đặc biệt trong các chương trình điều trị dự phòng). Các vấn đề này gây trở ngại cho mục tiêu giảm thiểu sự lây lan HIV và đảm bảo chăm sóc cho mọi người dân.

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), mặc dù nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhưng dịch HIV/AIDS hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp nhiễm HIV mới, 1.263 trường hợp tử vong.

Số liệu giám sát cho thấy, dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, các thành phố lớn. Nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh, nhóm tuổi 16 - 29 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4% năm 2010, đến 12,9% năm 2019 và 25,9% năm 2023.

Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục tăng từ 47,5% năm 2010 lên 70,8% vào tháng 9/2024; nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) liên tục chiếm tỷ lệ cao trong số mới phát hiện hàng năm (trên 40%).

Tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV ở nữ 15 - 24 tuổi chỉ chiếm 39,8%, ở nam độ tuổi này là 48,7%. Tỷ lệ có thái độ phân biệt đối xử với HIV ở nữ 15 - 24 tuổi là 36,6%, ở nam độ tuổi này là 39,7%. Ngay cả với các em có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, tỷ lệ hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV cũng chỉ đạt ở 39,8% đối với nữ, và 48,7% đối với nam.

Trước tình hình dịch HIV/AIDS còn diễn biến phức tạp, sự thiếu hiểu biết về HIV, sự kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV vẫn đang tiếp tục cản trở việc tiếp cận các dịch vụ y tế trở thành khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, thúc đẩy các hành động cụ thể trong phòng, chống HIV/AIDS.

Cần đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: Dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đảm bảo mọi người được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV; tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Công bằng và bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là chìa khóa để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế, cộng đồng và toàn xã hội, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này, góp phần xây dựng một tương lai không còn AIDS.

Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.

Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau:

- Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm (tương đương dưới 01 người nhiễm mới HIV/100.000 dân).

- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS dưới 1 người/100.000 dân.

- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con dưới 2%.

Thanh Sang