Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám bệnh.
Bộ Y tế cho biết, đến chiều tối 29.1, đã có hơn 6.000 ca mắc bệnh viêm phổi cấp do nCoV tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, 132 trường hợp tử vong ghi nhận tại Trung Quốc - nơi phát sinh dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra cảnh báo dịch đã ở cấp độ rất cao tại Trung Quốc, cấp độ cao ở khu vực và toàn cầu. Tại Việt Nam, có 2 trường hợp dương tính với nCoV, đã điều trị thành công 1 trường hợp; 64 trường hợp nghi ngờ, trong đó 25 trường hợp xét nghiệm âm tính với nCoV, 39 trường hợp tiếp tục cách ly để ngăn ngừa lây lan ra cộng đồng; 56 trường hợp tiếp xúc với người bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ.
Giám sát chặt người đến từ vùng dịch
Ông Lê Quang Hùng cho hay, ngay trong những ngày nghỉ Tết, khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, đặc biệt công điện hỏa tốc của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế đã chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế trực thuộc huy động nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế sẵn sàng ứng phó, phát hiện sớm, chuẩn bị tốt phòng, chống bệnh dịch. Dù Bình Định không nằm trong 11 tỉnh, thành có nguy cơ thành ổ dịch viêm phổi do nCoV được Bộ Y tế ghi danh, nhưng tinh thần phải sẵn sàng, luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
"Đặc biệt chú trọng khâu giám sát dịch, nhất là những người đi từ vùng dịch về, hoặc đi qua vùng đang có dịch, hoặc có tiếp xúc gần với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV nhằm phát hiện sớm các ca nghi ngờ và xử lý, không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Các cơ sở khám, chữa bệnh phân loại người bệnh khi người dân đến đăng ký khám chữa bệnh", ông Hùng nhấn mạnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã thành lập 2 Đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh, với đầy đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị. Trong ngày 29.1, Trung tâm cũng yêu cầu các TTYT huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện giám sát bệnh viêm phổi nặng do vi rút, giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng để phát hiện sớm các chùm ca bệnh viêm phổi, trường hợp viêm phổi nặng, lấy mẫu xét nghiệm xác định các tác nhân gây bệnh nhằm đáp ứng nhanh với các vụ dịch.
Bác sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc CDC, cho hay: "Bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế thuộc CDC cũng triển khai ngay quy trình kiểm dịch của Bộ Y tế tại Cảng biển Quy Nhơn và Cảng hàng không Phù Cát; thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch".
Giám sát dịch khách du lịch Trung Quốc đến Bình Định
Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV khách du lịch Trung Quốc đến Bình Ðịnh, Sở Du lịch đề nghị các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tuân thủ nghiêm quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng về việc đảm bảo phòng, chống lây nhiễm nCoV. Kịp thời báo cáo cho Sở Du lịch, Sở Y tế nếu phát hiện trường hợp khách du lịch có biểu hiện ho, sốt, nhất là khách du lịch Trung Quốc. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và báo cáo, cập nhật tình hình khách Trung Quốc đến du lịch tại Bình Ðịnh.
Bác sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc CDC, cho hay: "Bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế thuộc CDC cũng triển khai ngay quy trình kiểm dịch của Bộ Y tế tại Cảng biển Quy Nhơn và Cảng hàng không Phù Cát; thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch".
Quy trình kiểm dịch y tế quốc tế được triển khai tại Cảng biển Quy Nhơn và Cảng hàng không Phù Cát, thực hiện khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch.
Trong ảnh: Khách du lịch nước ngoài đến sân bay Phù Cát.
Lên phương án ứng phó dịch
Sở Y tế yêu cầu tất cả đơn vị trực thuộc thành lập đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới; thiết lập "đường dây điện thoại nóng phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV" tiếp nhận thông tin và sẵn sàng tiếp nhận ứng cứu; phối hợp chặt công tác điều trị và dự phòng. BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn chịu trách nhiệm tiếp nhận và xử lý ban đầu các ca nghi ngờ bệnh. Trường hợp xuất hiện ca bệnh xâm nhập vào Bình Định, tất cả cơ sở khám chữa bệnh đều phải kích hoạt hệ thống cách ly và điều trị bệnh nhân. Các cơ sở phải chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền. Rà soát lại các phương tiện máy thở, monitor theo dõi người bệnh, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh.
"Người bệnh có triệu chứng của viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…) phải được phân luồng và khám, tư vấn tại buồng khám riêng biệt, khai thác các yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Nếu thấy nghi ngờ trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân cần cách ly tạm thời, thông báo khẩn cấp cho y tế dự phòng lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời", ông Lê Quang Hùng lưu ý.
Theo bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, cùng với Ban chỉ đạo chống dịch, bệnh viện đã tổ chức 2 đội cấp cứu hỗ trợ, tiếp nhận và điều trị người bệnh viêm phổi cấp do nCoV. Kế hoạch hành động được xây dựng sẵn sàng 3 phương án: Chưa ghi nhận ca bệnh, xuất hiện ca bệnh, và dịch lây lan ra cộng đồng. Khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập vào Bình Định, bệnh viện chuyển một phần, hoặc toàn bộ bệnh nhân không nhiễm bệnh đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm về các khoa khác để tổ chức khu vực này thành khu điều trị nCoV. Khu sàng lọc và khu điều trị cho người bệnh tại khoa Truyền nhiễm tổ chức 5 giường bệnh sàng lọc, 8 giường điều trị cách ly, 5 giường đệm, nhưng tùy diễn biến dịch, bệnh viện sẽ tăng cường thêm giường.
"Quan trọng nhất là khâu giám sát, sàng lọc phát hiện sớm ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Trường hợp bệnh dịch lây lan trong cộng đồng, chúng tôi điều phối cơ sở hạ tầng và nhân lực, lập các tổ chuyên môn sẵn sàng tăng cường cho tuyến dưới; đồng thời, yêu cầu hỗ trợ của tuyến trên - Bệnh viện Trung ương Huế", ông Hồ Việt Mỹ thông tin.
Để chủ động phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, CDC hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp:
1. Sử dụng khẩu trang đúng cách. Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt, ho. Khi bắt buộc tiếp xúc người bệnh, người dân phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng, nước sạch hoặc các loại rửa tay có chất cồn.
3. Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế… bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau sàn nhà, tay vịn cầu thang bằng chất tẩy rửa; đảm bảo an toàn thực phẩm.
4. Những người trở về từ vùng có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi nghi do nCoV cần theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Người có triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch, nhất là sang Trung Quốc, hoặc đến nơi tập trung đông người…
Nguồn Báo Bình Định