Trước khi hợp nhất, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh có 137 VĐV thuộc 10 bộ môn; Trường Năng khiếu thể thao tỉnh có 180 VĐV thuộc 14 lớp. Trong đó, có một số môn có tuyến năng khiếu nhưng lại không có đội tuyển (như bóng bàn, cầu lông). Điều này khiến công tác tuyển chọn, đào tạo có độ vênh nhất định. Cùng với đó, HLV của một số môn gồm nhiều tuyến đào tạo (như bóng đá) có quan điểm, trình độ, cách làm khác nhau cũng khiến hiệu quả đào tạo chưa như mong muốn.
Việc hợp nhất hai đơn vị sẽ giúp các đội tuyển có sự xuyên suốt trong công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV.
- Trong ảnh: VĐV đội tuyển bơi lội Bình Định khởi động trước buổi tập.
Ông Nguyễn Văn Hùng, HLV đội bóng đá U15 Bình Định, chia sẻ: "Việc hợp nhất hai đơn vị sẽ giúp các HLV bộ môn bóng đá có tiếng nói chung trong công tác tuyển chọn, đào tạo. Việc bộ môn có một giáo án thống nhất cho từng tuyến, hoặc mỗi HLV đảm trách một lứa VĐV xuyên suốt từ lúc tuyển chọn đến khi trở thành cầu thủ có thể thi đấu chuyên nghiệp vừa đánh giá được công tác đào tạo, vừa tránh những vấn đề do sự khác biệt về quan điểm".
Trong khi đó, mặc dù ở hai đơn vị tách biệt, nhưng HLV của nhiều bộ môn như: Cờ, bóng ném, taekwondo, điền kinh… thường xuyên có sự trao đổi về chuyên môn nên luôn có sự thống nhất trong chương trình huấn luyện. Dẫu vậy, khi dẫn học trò đi thi đấu lại gặp phải trở ngại, khi người của đơn vị này không thể đi cùng để hỗ trợ đội ở đơn vị khác. Bên cạnh đó, một số HLV còn bày tỏ sự lo ngại về việc kinh phí thi đấu của các đội bị cắt giảm so với trước. Một HLV chia sẻ: "Trước đây từng có việc kinh phí thi đấu của các đội thuộc Trường Năng khiếu thể thao tỉnh lại do… Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh cấp. Điều đó dẫn đến tình trạng một số giải VĐV không được duyệt kinh phí tham gia. Vì vậy, sau khi hợp nhất, nếu đơn vị không được bố trí nguồn kinh phí tăng theo tương ứng, chúng tôi e rằng sau khi hợp nhất tình trạng này sẽ lặp lại, gây khó khăn cho các đội".
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh (cũ), cho biết: Khi hợp nhất, việc chuyển VĐV lên tuyến trên sẽ thuận lợi hơn, do không phải chờ đợi chỉ tiêu như trước. Nhưng để Trung tâm hoạt động hiệu quả cần phải xây dựng đề án phát triển các môn thể thao xuyên suốt từ tuyến năng khiếu đến đội tuyển. Trong đó, ưu tiên những môn có thành tích, môn thể thao mũi nhọn của tỉnh và môn phù hợp với tố chất người Bình Định. Cùng với đó, đội ngũ HLV phải bàn bạc, đưa ra tiêu chí đánh giá và phải có kế hoạch kiểm tra, đánh giá trình độ VĐV theo từng giai đoạn để xác thực hiệu quả của công tác huấn luyện.
Đối với việc phát triển các môn mới, ông Nguyễn Thành Sơn, Hiệu trưởng Trường Năng khiếu thể thao tỉnh (cũ), cho rằng: "So với chương trình hành động do lãnh đạo tỉnh ban hành, chúng ta vẫn chưa phát triển được số lượng các môn thể thao theo yêu cầu. Vì vậy, sau khi hợp nhất, cần phải tính toán bổ sung những môn có phong trào mạnh ở các địa phương. Cùng với đó, cần giao trách nhiệm cụ thể cho HLV và Phòng Đào tạo - Huấn luyện VĐV để HLV có sự đầu tư nhiều hơn trong công tác huấn luyện, nhằm cho ra lò những lứa VĐV tốt, đủ khả năng góp mặt ở các đội tuyển và tranh chấp huy chương".
HOÀNG QUÂN - Nguồn Báo Bình Định