CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
Chú trọng phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp
Thứ tư 08/07/2020 15:03
Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Các mục tiêu, chỉ tiêu đào tạo nghề được chú trọng đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo từng giai đoạn, từng năm; gắn công tác đào tạo nghề với nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch, sắp xếp, kiện toàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 4 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng, 1 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp (đặt phân hiệu), 21 cơ sở đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh theo nhu cầu ngành nghề trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ hiện đang có trên địa bàn. Chương trình đào tạo được quan tâm đổi mới nội dung, chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề cho người học.

Nhờ vậy, trong những năm qua, chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Quy mô tuyển sinh đào tạo toàn tỉnh là 24.961 người/năm (trong đó: cao đẳng nghề là 3.020 người, trung cấp nghề là 2.620 người, sơ cấp nghề 19.321 người). Số lượng lao động qua đào tạo nghề có việc làm và tự tạo việc làm đạt trên 75%. Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế liên kết, hợp tác, đầu tư, triển khai các dự án đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 7 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, tăng 3 cơ sở so với năm 2017. Công tác rà soát, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ giáo viên dạy nghề được tăng cường; số lượng giáo viên dạy nghề của tỉnh trong thời gian qua dần đi vào ổn định, tỷ lệ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững, kỹ năng sư phạm tốt không ngừng tăng lên. Tổng số giáo viên dạy nghề của tỉnh hiện có 1.127 người (trong đó có 10 tiến sĩ, 305 thạc sĩ, 579 cử nhân, 69 trung cấp và 169 người có trình độ khác). Công tác tuyển sinh đào tạo được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung thực hiện bằng nhiều hình thức như: đổi mới, đa dạng hóa phương thức quảng bá tuyển sinh gắn với nâng cao chất lượng giảng dạy, xây dựng các mô hình đào tạo, liên kết đào tạo với doanh nghiệp nhằm thu hút học sinh, sinh viên, người lao động tham gia học nghề.

Công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên cũng được quan tâm thực hiện, gắn việc đào tạo nghề với sử dụng lao động, đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tăng cường hiệu quả tuyển sinh đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề luôn được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tổng kinh phí ngân sách nhà nước phân bổ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phục vụ đào tạo nghề từ năm 2017 đến nay là 48,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 5,4 tỷ đồng.

Với những nỗ lực kể trên, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Trình độ đào tạo và cơ cấu ngành nghề tuyển sinh ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu người học và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao. Người lao động ngày càng chủ động hơn trong lựa chọn ngành nghề, tự tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Công tác giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động trực tiếp trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng hàng năm và đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra (Trong 5 năm từ 2015 - 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề bình quân hàng năm tăng 2%).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Đội ngũ giáo viên dạy nghề vẫn còn thiếu, kỹ năng nghề của một số giáo viên còn hạn chế; trang thiết bị dạy và học còn hạn chế; nhiều địa phương chưa bố trí được kinh phí để điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn nên ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch đào tạo cho đối tượng này; một số địa phương chưa thật sự quan tâm, hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề… Do đó, trong thời gian tới, cấp ủy và chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của hoạt động đào tạo nghề đối với công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội; bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định gắn với việc thu hút nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia vào công tác giảng dạy, đào tạo nghề; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục nghề nghiệp, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp vào công tác đào tạo nghề; nắm chắc nhu cầu đào tạo cho mỗi loại nghề gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo nghề…

                             Diệu Hiền