CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Văn hóa - Xã hội
LỄ GIỖ HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG - NGUYỄN HUỆ (1753 - 1792): Ngưỡng vọng người “một lòng vì nước nêu gương anh hùng”
Thứ sáu 30/08/2024 15:59

Lễ giỗ Vua (theo cách gọi dân gian) vào ngày 29.7 âm lịch hằng năm (năm nay nhằm ngày 1.9.2024) là dịp người dân Tây Sơn tưởng niệm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ nhằm thể hiện lòng tri ân, ngưỡng vọng công đức của vua, cùng các vị anh hùng thời Tây Sơn một lòng vì nước, vì dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước, giữ yên bờ cõi.

Người anh hùng “áo vải cờ đào”

Phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vào nửa cuối thế kỷ thứ XVIII gắn liền với sự nghiệp của Tây Sơn tam kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ; tiêu biểu là vị anh hùng “áo vải cờ đào” Hoàng đế Quang Trung- Nguyễn Huệ - vị lãnh tụ nông dân kiệt xuất, trí dũng song toàn, một danh tướng bách chiến bách thắng đưa phong trào Tây Sơn từ cuộc khởi nghĩa nông dân trở thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc; đánh đổ các thế lực phong kiến Lê- Trịnh - Nguyễn chia cắt đất nước hơn 200 năm; quét sạch 5 vạn quân Xiêm với chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút.

Năm 36 tuổi (1789), Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lãnh đạo tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn bằng cuộc hành quân thần tốc tiến quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh (Trung Quốc), với đỉnh cao là Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lưu danh sử sách.

Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ không những là nhà quân sự thiên tài mà còn là nhà chính trị lỗi lạc, với nhiều chính sách chiêu hiền, đãi sĩ, thu phục nhân tâm, bang giao hữu nghị xây dựng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc. Vị vua “đánh Nam, dẹp Bắc” đã đột ngột băng hà vào ngày 29.7 âm lịch năm Nhâm Tý (1792) khi vừa 39 tuổi xuân đầy sức sống, để lại biết bao hoài bão, ước mơ còn dang dở.

39 mùa xuân trong cuộc đời, nhưng Hoàng đế Quang Trung- Nguyễn Huệ đã cống hiến trí tuệ, tài năng và đức độ cao cả của mình cho nền độc lập dân tộc; tô điểm thêm lịch sử nước nhà một trang vàng chói lọi về sự nghiệp vẻ vang của phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Ngài. Công đức của vị vua yêu nước, thương dân, là một bài hùng ca bất diệt như Ngọc Hân công chúa (vợ vua Quang Trung) đã ngợi ca: “… Mà nay áo vải cờ đào/ Giúp dân dựng nước xiết bao công trình”.

Lễ giỗ vua Quang Trung do Nhà nước tổ chức, song phần lễ cúng vẫn do ban tế lễ của cộng đồng dân cư đảm nhận thực hiện theo nghi lễ cổ truyền.  Ảnh: NGỌC NHUẬN

Nhớ ngày giỗ vua Quang Trung

Theo thông lệ vào ngày 29.7 âm lịch hằng năm (năm nay nhằm ngày 1.9), chính quyền và nhân dân huyện Tây Sơn, ngành văn hóa tỉnh cùng nhau tổ chức Lễ giỗ vua Quang Trung theo nghi thức cổ truyền tại Đền thờ Tây Sơn tam kiệt (khuôn viên Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).

Lễ giỗ Vua do Nhà nước tổ chức, song phần lễ cúng vẫn do ban tế lễ của cộng đồng dân cư đảm nhận. Cụ Nguyễn Đồng Chi (81 tuổi) - ở thị trấn Phú Phong, phó ban tế lễ, cho biết: “Gần tới ngày giỗ Vua, ban tế lễ cùng cán bộ Bảo tàng Quang Trung vệ sinh các hương án, kiểm tra kỹ lưỡng lễ vật, soạn văn tế, họp bàn chọn thêm 12 - 14 người vào ban hầu hương, hầu lễ… để phần lễ cúng diễn ra trang nghiêm, thành kính theo đúng nghi lễ cổ truyền”.

Cứ đến ngày giỗ Vua, những người con đất Vua xa xứ cũng sắp xếp trở về quê nhà để dâng nén tâm hương tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt, cầu mong những điều an lành.

Ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch Hội đồng hương Tây Sơn tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Dịp giỗ Vua hằng năm, không chỉ chúng tôi mà cộng đồng người Tây Sơn hiện sinh sống, làm việc ở các tỉnh khác, như: Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… cũng về dự, dâng lễ cúng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tiền nhân. Đây cũng là dịp để đồng hương Tây Sơn gặp gỡ, giao lưu, đoàn kết góp sức xây dựng quê nhà phát triển”.

Nét đẹp tín ngưỡng tâm linh giỗ Vua còn lan tỏa, tạo sự gắn kết giữa vùng đất Tây Sơn hạ đạo (huyện Tây Sơn) và vùng đất Tây Sơn thượng đạo (TX An Khê, tỉnh Gia Lai) cùng hướng về cội nguồn dân tộc.

Ông Nguyễn Thanh Điệp, Trưởng phòng VH-TT TX An Khê, tâm tình: “Năm nào cũng vậy, vào ngày 28.7 âm lịch, TX An Khê tổ chức giỗ Vua đều có lãnh đạo huyện Tây Sơn lên dự. Đến ngày 29.7 âm lịch giỗ Vua ở Tây Sơn, lãnh đạo TX An Khê lại đến dự. Qua đó, thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa hai địa phương, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về lòng yêu nước, tự hào truyền thống lịch sử của dân tộc”.

Bên cạnh triển khai công tác tuyên truyền trực quan, chỉnh trang đô thị, giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo ANTT…, UBND huyện Tây Sơn cũng chuẩn bị các điều kiện khác để giỗ Vua. Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Theo kế hoạch của tỉnh, năm nay có nét mới là tổ chức Hội thi trang trí mâm lễ vật dâng cúng Vua. Chúng tôi đã chỉ đạo 15 xã, thị trấn chuẩn bị những mâm cỗ trang nghiêm để tham gia dâng cúng Vua; đồng thời, bố trí việc đón tiếp đại biểu về dự lễ giỗ”.

Cùng với việc đảm bảo lễ giỗ Vua trang nghiêm, văn minh, tiết kiệm, Bảo tàng Quang Trung còn phối hợp với UBND huyện Tây Sơn chuẩn bị tổ chức nghi lễ khấn cáo tại Đài Kính Thiên, Đền thờ Song thân Tây Sơn tam kiệt vào chiều 28.7 âm lịch (ngày 31.8).

Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung cho biết thêm: Đơn vị cũng chuẩn bị thiết dâng phẩm vật cúng tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, Đền thờ Đại tư đồ Võ Văn Dũng nhân dịp Giỗ Vua; phối hợp tổ chức phần hội biểu diễn lân, sư, rồng và võ cổ truyền vào đêm 28.7 âm lịch; biểu diễn nghệ thuật truyền thống vào tối 29.7 âm lịch…

ĐOÀN NGỌC NHUẬN - Nguồn Báo Bình Định